NÂNG TẦM THƯƠNG HIỆU VIỆT

Từ vụ việc Khải silk, các doanh nghiệp Việt cần suy nghĩ nghiêm túc, rút ra bài học để không đi vào vết xe đổ này, nếu muốn xây dựng thương hiệu lớn mạnh, vươn tầm quốc tế

Lời hứa về chất lượng

Đối với người tiêu dùng, mỗi thương hiệu là một lời hứa về chất lượng, sự chính trực, nhất quán trong việc thực hiện cam kết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ, kinh tế-xã hội cũng như sự biến đổi của môi trường, nhận thức và đòi hỏi của người tiêu dùng cũng thay đổi với những nguyên tắc, ưu tiên và kỹ vọng ngày một cao và khắt khe hơn.

Truớc “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng cũng như những nhà sản xuất chân chính, điều tưởng như đương nhiên là “được mua hàng thật, chính hãng” lại đang trở thành nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng hiện nay.

Do nhà sản xuất rất đễ vì mục tiêu lợi nhuận mà giảm chất lượng sản phẩm, nên người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải ổn định và đảm bảo chất lượng đúng như cam kết, đảm bảo “tính chính trực của nhãn hiệu”. Người tiêu dùng sẽ không chấp nhận và sẵn sàng bỏ rơi bất cứ thương hiệu nào không giữ được sự ổn định về chất lượng sản phẩm vì họ có quá nhiều sự lựa chọn trên thị trường.

Trách nhiệm với cộng đồng

Xuất phát từ nhận thức và mong muốn phát triển xã hội bền vững, giảm bớt sự bất công về thu nhập và mức sống giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhằm chia sẻ lợi ích một cách hài hòa,…vấn đề trách nhiệm và sự đóng góp cho cộng đồng của các thương hiệu đang được đề cao.

Người tiêu dùng hiện đại ngày nay không chỉ quan tâm đến việc đáp ứng mục đích tiêu dùng của mỗi sản phẩm, dịch vụ, mà còn chú trọng đến chủ thể và cách thức tạo ra sản phẩm, hình thức phân phối sản phẩm, đặc biệt là những tác động đến môi trường và cách ứng xử đối với người lao động, đối tác, người tiêu dùng của các chủ sở hữu thương hiệu, nhà sản xuất.

Đây là những câu hỏi – đòi hỏi của người tiêu dùng khi đánh giá về sản phẩm, dịch vụ, hay nói đúng hơn là các nhãn hiệu/thương hiệu được gắn trên các sản phẩm, dịch vụ đó.

Niềm tin, sự trung thành và yêu mến của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu/thương hiệu sẽ chỉ hình thành khi người tiêu dùng tìm được câu trả lời cho các câu hỏi- đòi hỏi này qua các kênh thông tin mà họ có và qua trải nghiệm đối với sản phẩm.

Những tiêu chí và đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng về tính chính trực, nhất quán, trách nhiệm với cộng đồng… của mỗi thương hiệu cần được các doanh nghiệp Việt nhận thức rõ, tìm hiểu và áp dụng ngay cho sản phẩm gắn thương hiệu của mình trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

 Nền tảng công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ

Các thương hiệu sản xuất và cung cấp dịch vụ hàng đầu trên thế giới hiện nay cũng đồng thời là những công ty đang nắm giữ các bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền và tải sản trí tuệ có giá trị lớn.

Điều này được thể hiện qua những con số trong bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới 2016, được công bố bởi nhãn Millward Brown, một phần của Công ty WPP (tập đoàn quảng cáo, truyền thông của Vương quốc Anh lớn nhất thế giới)

Bên cạnh đó, thông kê 10 quốc gia có người dân áp dụng bằng sáng chế gốc nhiều nhất thế giới năm 2015 cho thấy, đây cũng là những nước phát triển và giàu có hàng đầu thế giới (GDP trên 1.000 tỷ USD), thể hiện thành quả của sự nghiên cứu, sáng tạo.

Có thể thấy, các công ty giá trị nhất và các quốc gia giàu có trên thế giới đều được xây dựng dựa trên nền tảng là các quyền sở hữu trí tuệ. Theo thống kê, tỷ lệ giá trị tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) trên giá trị tài sản hữu hình (vốn, đất đai, nhà xưởng, máy móc…) của các công ty hàng đầu thế giới hiện này là 80/20.

Tuy nhiên, tài sản sở hữu trí tuệ mà các công ty, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nắm giữ hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tài sản hữu hình.

Qua tra cứu về đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu tuệ Việt Nam (tại website: http://iplib.noip.gov.vn) về trường hợp doanh nghiệp Khaisilk, được biết, mặc dù có gần 30 năm phát triển nhưng Khaisilk chỉ nắm giữ vẻn vẹn 3 nhãn hiệu đang được bảo hộ và không có quyền sở hữu trí tuệ về bằng sáng chế cũng như bằng kiểu dáng công nghiệp-những vũ khí cạnh tranh cực kỳ hữu hiệu, đồng thời là những tài sản bền vững thể hiện công nghệ vượt trội trên thị trường.

Toàn văn bài viết được đăng trên báo Đầu tư, số ra ngày 19/01/2018.

Bình luận bài viết

Không có bình luận

X