Đơn cấp bằng sáng chế lần đầu tiên trong lịch sử được nộp cho sáng chế được tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo (AI)
Nhóm TEAM LED của Giáo sư Ryan Abbott tại Đại học Surrey (Vương Quốc Anh) lần đầu tiên trong lịch sử đã nộp thành công các đơn xin cấp bằng sáng chế cho hai sáng chế được tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo (AI).
Tác giả sáng chế AI, có tên là “DABUS” được Người tạo ra nó là Stephen Thaler đặt, dựa vào một hệ thống mạng lưới thần kinh tạo ra những ý tưởng mới bằng cách thay đổi mối liên kết lẫn nhau giữa chúng. Một hệ thống mạng lưới thần kinh thứ hai phát hiện các kết quả tới hạn của những ý tưởng tiềm năng này và củng cố chúng dựa trên cơ sở dự đoán tính mới và sự nổi bật của các kết quả đó.
Giáo sư Adrian Hilton, Giám đốc Trung tâm Xử lý Tín hiệu, Phát âm và Thính lực (khả năng nhìn), cho hay: “ Trí tuệ nhân tạo (AI) đương đại có thể làm thay đổi về cơ bản cách thức nghiên cứu và triển khai đang được tổ chức hiện nay. Trong một số trường hợp, AI không còn là một công cụ, thậm chí là một công cụ rất tinh vi nữa; trong một số trường hợp, AI đang tự động sự đổi mới, sáng tạo.”
Cục Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) và Văn phòng Sáng chế Châu Âu (EPO) đã chỉ ra rằng các đơn sáng chế này dường như có có tính mới, có tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp – những yêu cầu cơ bản cho một sáng chế có khả năng nhận được bằng bảo hộ độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, vấn đề quyền chủ sở hữu của Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa được xem xét đến. Các đơn sáng chế này vẫn đang chờ xử lý tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Do đó, các đơn sáng chế này sẽ bắt buộc các Văn phòng bằng sáng chế, các Tòa án và các Cơ quan lập pháp phải đối mặt với một thực tiễn thẩm định cấp bằng sáng chế hiện hành đã bị coi là lỗi thời. Trên thực tế đã có những yêu cầu bảo hộ cho các sáng chế do Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra trong nhiều thập kỷ qua, nhưng một tác giả sáng chế là Trí tuệ nhân tạo (AI) thì chưa bao giờ được nêu ra trong bất cứ đơn sáng chế nào. Hiện nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới có luật quy định cụ thể rằng liệu một phát minh hoặc một sáng chế do Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra có thể được cấp bằng sáng chế hay không, ai hoặc những điều kiện nào thì được coi đủ để trở thành tác giả sáng chế, hoặc quy định về quyền sở hữu đối với một sáng chế hoặc phát minh do Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra; theo pháp luật sáng chế truyền thống thì tác giả sáng chế mặc nhiên được coi là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế. Hầu hết pháp luật các quốc gia đều có lịch sử giới hạn quyền sáng chế (hoặc quyền sáng tạo) chỉ dành cho con người tự nhiên để ngăn chặn quyền sáng tạo của môt công ty (một pháp nhân hoặc một thực thể pháp lý), điều mà về nguyên tắc không nên được sử dụng để từ chối bảo hộ cho các tác phẩm do Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.
Giáo sư Abbott cho rằng: “Trong các đơn sáng chế này, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã đáp ứng đầy đủ về mặt chức năng của khái niệm hành vi để tạo thành cơ sở cho quyền sáng chế (hay quyền sáng tạo). Sẽ không có vấn đề gì khi Trí tuệ nhân tạo (AI) là tác giả sáng chế duy nhất nếu AI là một con người tự nhiên. Cách tiếp cận hợp lý là để cho AI được nằm trong danh sách như là tác giả sáng chế và người chủ sở hữu AI sẽ là người được chuyển nhượng quyền hoặc là người chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế của chính sáng chế đó. Điều này sẽ tưởng thưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và giữ cho hệ thống bằng sáng chế tập trung vào việc thúc đẩy sáng tạo bằng cách khuyến khích phát triển AI sáng tạo, thay vì tạo ra các chướng ngại vật.
Theo vị Giáo sư này thì “Các hệ thống AI mạnh mẽ có thể nắm giữ chìa khóa cho một số thách thức to lớn đối với nhân loại – từ việc chữa trị bệnh ung thư cho đến các giải pháp khả thi để đảo ngược hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng nếu các luật lệ về sở hữu trí tuệ (IP) lỗi thời hiện nay trên toàn thế giới không đáp ứng một cách nhanh chóng đối với sự phát triển của cỗ máy sáng tạo thì việc thiếu sự khích lệ cho các nhà phát triển AI này có thể chặn lại một kỷ nguyên mới của nỗ lực ngoạn mục của con người.”
(Nguyễn Trần Tuyên, ELITE LAW FIRM, lược dịch theo Tạp chí The Patent Lawyer số tháng 9-10/2019, https://patentlawyermagazine.com)