Nguồn: Báo Văn Hóa Điện Tử, THÙY TRANG – THU TRANG (thực hiện)
Trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng bá các sản phẩm trên MXH – Đây là chủ đề đang được nhiều khán giả cũng như những người dùng mạng xã hội quan tâm.
Nhiều ca sĩ, diễn viên, người có lượng theo dõi lớn trên các trang mạng xã hội gần đây đã gặp phải nhiều chỉ trích về các thông tin quảng cáo không đúng sự thật đăng tải lên MXH. Gần đây, Luật sư Nguyễn Trần Tuyên cùng các Luật sư, Chuyên gia khác đã đóng góp ý kiến về vấn đề này trên Báo Văn Hóa. Dưới đây là nội dung của bài viết.
Quảng cáo trên mạng xã hội và trách nhiệm của người nổi tiếng (Bài cuối): Quảng cáo đúng pháp luật
VHO- Trong các số báo trước, Văn Hóa đã có loạt bài viết ghi nhận thực trạng, ý kiến của các văn nghệ sĩ, giới chuyên gia, cơ quan chức năng,… nhằm góp thêm tiếng nói để nghệ sĩ nhìn nhận lại trách nhiệm của mình với cộng đồng khi tham gia quảng cáo và đề xuất những biện pháp để đưa hoạt động này đi vào nề nếp.
Ở bài viết này, chúng tôi xin gửi đến độc giả những phân tích của các luật sư dưới góc độ pháp lý để có cái nhìn toàn diện hơn, đồng thời cũng xin tạm khép lại diễn đàn tại đây.
NGHỆ SĨ CÓ THỂ XEM LÀ ĐỒNG PHẠM VỚI NHÀ CUNG CẤP NẾU “LỪA DỐI NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO”
Những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật ngày càng khẳng định được vai trò và sức ảnh hưởng của mình đối với công chúng. Hàng loạt các nghệ sĩ trở thành đại sứ hình ảnh của nhiều sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, có những người dựa vào sức ảnh hưởng của mình để đưa ra những thông tin sai lệch, họ “diễn xuất” để quảng bá cho thương hiệu rồi phát ngôn rằng chính mình đã dùng và thấy thật sự hiệu quả (?) Nhiều người hâm mộ vì tin tưởng vào nghệ sĩ mà chủ quan không tìm hiểu về sản phẩm, cuối cùng nhận về sự thật chua chát, “tiền mất tật mang”…
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, hành vi quảng bá sản phẩm, dịch vụ của một số nghệ sĩ có thể xem là đồng phạm với nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đó trong việc “lừa dối người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo”. Đây là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong trường hợp nếu đã bị xử lý hành chính nhưng người vi phạm vẫn tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Nếu người cung cấp sản phẩm, dịch vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khả năng cao những nghệ sĩ quảng bá cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.
(Luật sư NGUYỄN THÀNH TỰU, Công ty Luật quốc tế Nguyễn và cộng sự)
QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT LÀ HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM THEO LUẬT QUẢNG CÁO
Hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018; người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xử lý trong trường hợp người nổi tiếng, nghệ sĩ có hành vi quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa việc phổ biến quy định pháp luật cho giới nghệ sĩ và người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng, người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời, để sớm ngăn chặn và hạn chế hành vi lạm dụng sự nổi tiếng của mình trong việc quảng cáo, tiếp tay cho việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính, các nhà làm luật nên cân nhắc tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm.
(Luật sư NGUYỄN TRẦN TUYÊN, Giám đốc Công ty Luật ELITE)
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI KHI NGHỆ SĨ QUẢNG CÁO SẢN PHẨM KÉM CHẤT LƯỢNG?
Để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo tràn lan thiếu kiểm soát, mới đây Chính phủ đã ban hành quy định về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo, có sự điều chỉnh cập nhật phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ trách nhiệm đó thuộc về ai? Trước tiên là thuộc về người quảng cáo, tức là tổ chức/cá nhân quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Đối với hoạt động quảng cáo các sản phẩm ảnh hưởng tới sức khoẻ như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm… nội dung quảng cáo phải được xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thứ hai là trách nhiệm của tổ chức phát hành quảng cáo, là những người dùng phương tiện của mình để giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, có thể là các đài truyền hình, chủ sở hữu các website… Tại Khoản 2 Điều 14, Luật Quảng cáo quy định người phát hành quảng cáo có nghĩa vụ: “Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo”. Do đó, trước khi đăng tải các nội dung quảng cáo, tổ chức phát hành quảng cáo nên và yêu cầu người quảng cáo cung cấp giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo…
Riêng đối với những nghệ sĩ, xét về bản chất pháp lý, họ chỉ đóng vai trò như các diễn viên, đọc lời thoại theo kịch bản được viết sẵn. Tuy nhiên, họ là những người có sức ảnh hưởng, có khả năng tác động lớn đến quyết định của người tiêu dùng. Do đó, khi nhận quảng cáo cho sản phẩm, nghệ sĩ cũng nên xem xét cẩn trọng, vừa là để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa để giữ gìn hình ảnh mà họ đã dày công xây dựng. Có thể xem đây như một loại “trách nhiệm xã hội” của nghệ sĩ.
(Luật sư TRẦN THỊ HIỀN, Công ty Luật LAVN)
NÊU CAO TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN TRONG THỰC HIỆN NỘI DUNG QUẢNG CÁO
Quảng cáo sai sự thật trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin người tiêu dùng. Trên thực tế, Luật Quảng cáo từ năm 2012 đã ban hành những quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo. Theo đó, Khoản 1 Điều 19 Luật này quy định nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Các điều kiện bắt buộc khi quảng cáo những sản phẩm quảng cáo liên quan đến sức khỏe đã được quy định rõ. Theo đó, phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo trên các phương tiện. Cụ thể, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Nhằm chấn chỉnh những quảng cáo sai sự thật, vấn đề quan trọng là trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo. Trong đó, người quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo được người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo… Các cá nhân thực hiện nội dung quảng cáo cần nghiên cứu kỹ những quy định của pháp luật chuyên ngành, kiểm tra các giấy tờ có liên quan, cân nhắc những đoạn thoại để tránh thể hiện không đúng với nội dung đã cho phép của cơ quan chuyên ngành. Đồng thời, nên có cam kết trong hợp đồng dân sự để không bị doanh nghiệp lợi dụng thể hiện những nội dung quảng cáo chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, hoặc sai với nội dung đã cho phép hoặc thẩm định. Nêu cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nội dung quảng cáo tránh làm thiệt hại tới sức khỏe, tiền bạc cho người tiêu dùng, cộng đồng. Đặc biệt, tránh việc lợi dụng uy tín để quảng cáo không trung thực, chính xác…
(Bà NINH THỊ THU HƯƠNG, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở – Bộ VHTTDL)