Tranh chấp nhãn hiệu liên quan đến tên kênh YouTube nổi tiếng – Cần làm gì để bảo vệ tài sản trí tuệ

Nguồn: Báo Pháp Luật & Bản Quyền

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên cùng các chuyên gia khác vừa có bài chia sẻ trên Báo Pháp Luật & Bản Quyền về chủ đề Tranh chấp nhãn hiệu liên quan đến tên kênh YouTube nổi tiếng – Cần làm gì để bảo vệ tài sản trí tuệ. Mời Quý Khách hàng và bạn đọc theo dõi chi tiết nội dung của bài chia sẻ dưới đây.

Nhãn hiệu được hiểu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhu cầu tạo dựng nhãn hiệu và chỗ đứng trên thị trường là mục tiêu cấp thiết mà mọi cá nhân, tổ chức đều hướng tới. Trong thời gian vừa qua, không ít các vụ tranh chấp nhãn hiệu liên quan đến tên kênh YouTube đã xảy ra, kéo dài và gây xôn xao dư luận. Hệ quả của tranh chấp đó là uy tín, hoạt động kinh doanh của các bên bị ảnh hưởng.

Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho kênh YouTube đang ngày càng được quan tâm. Chính vì vậy, để cộng đồng hiểu rõ hơn về các vụ việc tranh chấp nhãn hiệu liên quan đến tên các kênh YouTube nổi tiếng xảy ra trong thời gian gần đây, phóng viên chuyên trang PHÁP LUẬT & BẢN QUYỀN – TẠP CHÍ PHÁP LÝ đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật ELITE (ELITE LAW FIRM) và Chuyên gia Đỗ Văn Uân (Trung tâm quyền tác giả Việt Nam – VCOP, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Masterbrand).

Là vi phạm … nếu không có quyền đăng ký nhãn hiệu

Phóng viên: Gần đây, nhiều kênh YouTube với lượng subcribe (người đăng ký xem kênh) lớn (Ví dụ như: Tam Mao TV, Masew, BabyBus) bất ngờ “té ngửa” khi tên kênh của mình đã bị một công ty khác đăng ký mất làm nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, hai ông nghĩ sao về vấn đề này? Hành vi trên có vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Vâng. Trước khi chia sẻ ý kiến cho câu hỏi này, tôi xin khẳng định, trong buổi trao đổi này, hồ sơ nhãn hiệu “Tam Mao TV” và các nhãn hiệu, thương hiệu khác được chúng tôi coi như là một ví dụ để làm bối cảnh, câu chuyện cụ thể nhằm chia sẻ thông tin về quy định luật sở hữu trí tuệ cho quý độc giả, doanh nghiệp một cách gần gũi và dễ hiểu, chứ không phải là ý kiến tư vấn cho một vụ việc cụ thể của chúng tôi. Nếu cần tư vấn cụ thể, quý độc giả, doanh nghiệp cần liên hệ với luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ để được tư vấn chi tiết với nguyên tắc bảo mật thông tin.

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật ELITE (ELITE LAW FIRM)

Quay trở lại câu hỏi về việc một người hay Công ty lấy nhãn hiệu hoặc tên Kênh Youtube của người khác để đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP), có vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ không? Tôi cho đây là một câu hỏi hay và là trường hợp hay gặp trong thực tế.

Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần xem các quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này. Theo quy định tại Điều 87.1 Luật SHTT về quyền đăng ký nhãn hiệu, tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Tuy nhiên, luật không quy định phải nộp tài liệu chứng minh quyền nộp đơn trong hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu. Đồng thời, theo quy định tại Điều 90.2 về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cho các nhãn hiệu trùng nhau hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chỉ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu đủ điều kiện bảo hộ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất.

Theo các quy định về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tại Điều 72, 73 và 74 Luật SHTT hiện hành, không có quy định nào chỉ rõ một nhãn hiệu do một cá nhân hay tổ chức (thường gọi là chủ đơn) mà không có quyền đăng ký nhãn hiệu nộp là không đáp ứng yêu cầu bảo hộ và sẽ bị chối. Theo đó, về nguyên tắc, một nhãn hiệu do một cá nhân hay tổ chức mà không có quyền đăng ký nhãn hiệu nộp vẫn có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu).

Tuy nhiên, Điều 96.1.a Luật SHTT lại quy định, văn bằng bảo hộ (nhãn hiệu) bị hủy trong trường hợp Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký nhãn hiệu.

Như vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nêu trên, ta có thể hiểu như sau:

  1. Luật yêu cầu và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cần trung thực trong việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, nghĩa là người nộp đơn chỉ đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
  2.  

  3. Quyền đăng ký (quyền nộp đơn) không là căn cứ để ra quyết định cấp hay từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu nên một nhãn hiệu do một cá nhân hay tổ chức mà không có quyền đăng ký nhãn hiệu nộp vẫn có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ;
  4.  

  5. Quyền đăng ký là căn cứ pháp luật để ra quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Do vậy, theo ý kiến của tôi, việc một người hay Công ty lấy nhãn hiệu nói chung hoặc tên Kênh Youtube của người khác để đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ bị coi là vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nếu có bằng chứng chứng minh người hay tổ chức đó không có quyền đăng ký nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, việc chứng minh này bắt buộc phải trải qua thủ tục phản đối đơn hay hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Về câu hỏi trên, theo quan điểm của tôi, mọi tổ chức/cá nhân đều có quyền đăng ký Nhãn hiệu để sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chuyên gia Đỗ Văn Uân (Trung tâm quyền tác giả Việt Nam – VCOP, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Masterbrand)

Trong quá trình hành nghề đại diện Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam tôi nhận thấy trực trạng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn xảy ra tại một số nước trên thế giới thậm chí mang tính liên quốc gia xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, thí dụ như: Nhãn hiệu gạo ST25 của Việt Nam bị một số tổ chức/cá nhân tại nước ngoài nộp đơn đăng ký bảo hộ tại nước của họ. Thực trạng này phản ánh rằng tài sản trí tuệ có khả năng thương mại hóa cao và các Chủ kênh YouTube e rằng còn “thờ ơ” với tài sản trí tuệ của mình.

Mua bán chuyển nhượng với tính chất “Thường xuyên, chuyên nghiệp” …

Phóng viên: Hai ông có quan điểm như thế nào về sự việc một Công ty đăng ký nhiều nhãn hiệu của các kênh YouTube nổi tiếng thời gian gần đây? Nếu chứng minh họ đăng ký với với mục đích nhằm mua bán, chuyển nhượng và có tính chất “thường xuyên, chuyên nghiệp” thì có thể hủy văn bằng bảo hộ không?

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Hành vi đăng ký nhiều nhãn hiệu của nhiều kênh YouTube nổi tiếng có thể xuất phát từ dụng ý xấu/động cơ không trung thực nhằm chiếm đoạt sau đó ép chủ kênh YouTube mua lại với giá cao hoặc gây chú ý để được nổi tiếng, từ đó tiết kiệm chi phí cho truyền thông/marketing.

Nếu Nhãn hiệu đang trong giai đoạn thẩm định đơn đăng ký thì chủ kênh YouTube có thể đệ trình đơn phản đối tới Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005: “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh”.

Nếu Nhãn hiệu đã được cấp Văn bằng bảo hộ thì chủ kênh YouTube có thể đệ trình đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ tới NOIP theo quy định tại Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Về vấn đề này, như đã đề cập ở trên, hành vi lấy hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu của người khác để đi đăng ký nhãn hiệu bị coi là hành vi không trung thực và sẽ bị pháp luật xử lý bằng việc hủy bỏ văn bằng bảo hộ của những cá nhân, tổ chức có hành vi này.

Theo đó, một người hay công ty lấy nhãn hiệu nói chung hoặc tên Kênh Youtube của người khác để đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước tại Cục Sở hữu trí tuệ là hành vi cần bị tẩy chay và xử lý để kiến tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân trung thực và tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, mục đích mua bán, chuyển nhượng các đơn và đăng ký nhãn hiệu không bị cấm trong Luật SHTT vì đây là hoạt động bình thường trong kinh doanh.

Do đó, theo tôi, đăng ký nhãn hiệu với với mục đích nhằm mua bán, chuyển nhượng và có tính chất “thường xuyên, chuyên nghiệp” không phải là căn cứ pháp luật để hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Nhưng, đây có thể là bằng chứng có sức nặng nhằm chứng minh việc chiếm đoạt hoặc lấy nhãn hiệu của người khác để đi đăng ký nhãn hiệu, là căn cứ pháp lý để hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu như nêu trên.

Đâu là nguyên nhân?

Phóng viên: Từ những vụ việc trên cho thấy đang phát sinh một thực trạng, nhiều công ty được lập nên chỉ để đi tìm những nhãn hàng hay kênh YouTube mới nổi, sau đó nộp đơn đăng ký làm nhãn hiệu hay logo nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng.

Vậy theo hai ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Vâng. Như chúng ta đều thấy, việc một công ty được lập nên chỉ để đi tìm những nhãn hàng hay kênh YouTube mới nổi của người khác để chiếm và đi nộp đơn đăng ký làm nhãn hiệu hay logo của mình nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng là hành vi tiêu cực, đáng lên án về cả mặt đạo đức và khía cạnh pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một hiện tượng được coi là mặt trái và luôn tồn tại của nền kinh tế thị trường. Bởi vì việc lợi dụng khe hở của pháp luật này là việc dễ thực hiện và đem lại lợi ích to lớn nên nó kích thích người ta thực hiện vì lòng tham, việc dễ làm mà lại có thể giàu nhanh.

Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cần nhận thức rõ và chấp nhận rằng việc chiếm đoạt nhãn hiệu của người khác để đi đăng ký là một hiện tượng và mặt trái luôn có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần cần phải chủ động đối mặt và tìm ra phương án, giải pháp vượt qua nguy cơ này.

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Bên cạnh ý kiến của Luật sư Tuyên, theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do Nhãn hiệu/logo là những tài sản trí tuệ có khả năng thương mại hóa cao, trong khi chi phí bỏ ra để đăng ký lại thấp (hiện nay phí nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu cho một nhóm sản phẩm/dịch vụ với tối đa 06 sản phẩm/dịch vụ trong nhóm là 925.000 đồng).

Hơn nữa, chủ sở hữu của Nhãn hiệu/Logo cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức đối với tài sản trí tuệ của mình. Ngoài ra, quy định, chế tài pháp luật đối với tình trạng này còn chưa đầy đủ, hoàn thiện.

Giải pháp ngăn chặn?

Phóng viên: Thưa hai ông, hiện nay, Pháp luật của chúng ta quy định nào để ngăn chặn hiện tượng đó không?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Điều 96.1.a Luật SHTT đã quy định rõ, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực trong trường hợp Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, quy định này có nghĩa là chủ kênh Youtube có nhãn hiệu bị chiếm đoạt bắt buộc phải nộp Đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực đối với Văn bằng nhãn hiệu bị chiếm đoạt đó cùng với các bằng chứng chứng minh quyền đăng ký, sử dụng trước nhãn hiệu của mình và phải trải qua thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng nhãn hiệu tương đối gian nan tại Cục Sở hữu trí tuệ thì mới có thể lấy lại nhãn hiệu cho mình.

Do đó, để ngăn chặn hiện tượng này, chủ kênh Youtunbe chỉ cần tiến hành ngay thủ tục nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu của mình tại Cục SHTT càng sớm, càng tốt, tốt nhất là đăng ký bảo hộ cùng với thời điểm lập kênh Youtube. Việc này vô cùng đơn giản và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí so với việc hủy bỏ Văn bằng đăng ký nhãn hiệu như nêu trên.

Doanh nghiệp nên nhận thức rõ rằng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một bước quan trọng nhất trong kinh doanh vì nó là cơ sở pháp lý xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình và cũng là cơ sở pháp lý để xây dựng thương hiệu về lâu dài của bất kỳ công ty hay cá nhân kinh doanh nào.

Ngoài ra, việc đăng ký nhãn hiệu ngay sau khi thành lập kênh Youtube và được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu giúp chủ kênh Youtube có thể yên tâm đầu tư, phát triển, quảng bá kênh mà không lo vướng các tranh chấp pháp lý, đồng thời có thể xử lý các bên khác mạo danh kênh Youtube của mình. Với Doanh nghiệp thì Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là công cụ pháp lý hiệu quả nhất để xử lý hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Phóng viên: Khi bị lỡ rơi vào trường hợp như các kênh YouTube (Tam Mao TV, Masew, BabyBus) trên, bên cạnh thương lượng để mua lại nhãn hiệu, liệu rằng còn có những cách nào khác để đòi lại nhãn hiệu nhằm tránh nguy cơ bị xóa kênh không? Trình tự thực hiện và những chứng cứ chúng ta cần thu thập là gì để đòi lại được nhãn hiệu?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Ngoài việc đàm phán mua lại nhãn hiệu, như đã trao đổi, chủ kênh Youtube có thể cân nhắc làm thủ tục hủy bỏ hiệu lực Văn bằng nhãn hiệu bị chiếm đoạt tại Cục SHTT. Theo đó, Chủ kênh Youtube nên tiến hành thu thập các tài liệu chứng minh hợp lý và thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT cùng với các tài liệu, lập luận này. Những tài liệu có thể được đề nộp cùng Đơn yêu cầu hủy hiệu lực như tôi đã đề cập như:

  • Các thông tin, tài liệu về việc sáng tạo, sử dụng nhãn hiệu trên thực tế (hợp đồng thuê thiết kế logo, tài liệu về việc sử dụng nhãn hiệu trong hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ cho hàng hóa/dịch vụ đã đăng ký, hợp đồng quảng cáo…), các tài liệu về việc nhãn hiệu đã được sử dụng trong thời gian nhất định và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
  •  

  • Lưu giữ các thông tin về yêu cầu của bên đã đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp họ có gửi các yêu cầu về thỏa thuận chuyển nhượng nhãn hiệu (ví dụ: email yêu cầu thỏa thuận mua lại nhãn hiệu, các trao đổi khác về nhãn hiệu…..)(nếu có).
  •  

  • Các bằng chứng thực tế về việc bên đã đăng ký nhãn hiệu không dùng nhãn hiệu trên thực tế.

Bên cạnh đó, Chủ kênh Youtube nên nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT ngay và thông báo với Đơn vị chủ quản Youtube về việc đã thực hiện thủ tục hủy hiệu lực tại Cục SHTT để bảo vệ quyền của mình cùng như đề nghị Youtube cho phép tiếp tục được sử dụng tên kênh Youtube của mình.

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Như trên đã trao đổi, tùy thuộc hiện trạng đơn đăng ký Nhãn hiệu đang trong giai đoạn nào để có thể phản đối đơn hoặc đề nghị hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ. Dù thực hiện theo thủ tục nào thì cần lưu ý thu thập các chứng cứ như: Lịch sử hình thành và phát triển kênh YouTube, chi phí marketing/truyền thông, doanh thu có được từ hoạt động kênh, các giải thưởng đã đạt được, số lượng người tiêu dùng biết đến,… Các chứng cứ này để chứng minh rằng tên kênh đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu.

Kinh doanh là cuộc chơi, do vậy người chơi cần phải hiểu luật chơi trước

Phóng viên: Theo chính sách của YouTube, trong thời gian bị khiếu nại vì vi phạm nhãn hiệu, kênh YouTube sẽ phải tạm ngừng hoạt động? Như vậy, dường như việc pháp luật quy định ai đăng ký trước, có quyền ưu tiên được bảo hộ trước, phát sinh tranh chấp sẽ giải quyết sau, phải chăng đang có chút kẽ hở nào đó để cá nhân, tổ chức có mục đích không tốt lợi dụng?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Vâng. Chính sách của YouTube, trong thời gian bị khiếu nại vì vi phạm nhãn hiệu, kênh YouTube sẽ phải tạm ngừng hoạt động và pháp luật sở hữu trí tuệ quy định ai nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước, có quyền ưu tiên được đăng ký bảo hộ trước (first come – first serve), phát sinh tranh chấp sẽ giải quyết sau là các quy định vô cùng quan trọng mà các doanh nghiệp cũng như Chủ kênh Youtube cần phải biết để có phương án, quyết định sáng suốt nhất nhằm bảo vệ tên kênh Youtube của mình dưới dạng nhãn hiệu độc quyền.

Tôi cho rằng các quy định xem như có vẻ có kẽ hở cho bên thứ ba lợi dụng để chiếm đoạt nhãn hiệu của Chủ kênh Youtube để đi đăng ký trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận thức được rằng Youtube là một đơn vị cung cấp dịch vụ internet, tạo môi trường online chung để cho tất cả các cá nhân, tổ chức trên toàn cầu sử dụng và khai thác thì quy định tạm dừng hoạt động của kênh khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại là một quy định hợp lý và công bằng nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng là người xem kênh, cũng như quyền lợi của hai bên tranh tranh chấp, không thiên vị đối với bên nào.

Đồng thời, pháp luật SHTT quy định ai nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước, có quyền ưu tiên được đăng ký bảo hộ trước cũng có mục đích dành quyền ưu tiên cho người thực hiện trước, như là phần thưởng cho người đến trước cũng là quy định hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân nhận thức và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm.

Do đó, tôi cho rằng, về nguyên tắc, các cá nhân, tổ chức khi tham gia việc kinh doanh ví như cuộc chơi thì cần phải hiểu luật chơi trước, đó là nghĩa vụ của người chơi cũng như các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên thị trường. Điều này về tổng thể và về lâu dài chính là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng và lành mạnh trên thị trường cho tất cả mọi người.

Doanh nghiệp cần nhận thức và tận dụng các quy định này để chủ động giành lấy lợi thế về mình hơn là than vãn và đổ lỗi cho hoàn cảnh hay các quy định pháp luật. Do vậy, việc hiểu biết các quy định pháp luật để áp dụng đúng trong hoạt động kinh doanh là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần tham vấn và sử dụng dịch vụ pháp lý từ các luật sư, công ty đại diện sở hữu trí tuệ để chơi đúng luật và tạo lợi thế vững chắc về pháp lý cho mình.

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Về việc ai đăng ký trước, có quyền ưu tiên được bảo hộ trước, phát sinh tranh chấp sẽ giải quyết sau, theo quy định của pháp luật, đăng ký Nhãn hiệu không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi tổ chức/cá nhân nên quyền sử dụng không hoàn toàn phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, như trên đã trao đổi rằng việc sử dụng Nhãn hiệu phải không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Lời khuyên dành cho các chủ kênh YouTube

Phóng viên: Theo chuyên gia, các cá nhân, tổ chức đang làm công việc sáng tạo nội dung trên YouTube cần ứng xử như thế nào khi bị khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Theo tôi, khi bị khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu, về nguyên tắc, chủ kênh Youtube nên thực hiện các công việc sau:

1. Đọc, tìm hiểu kỹ các nội dung khiếu nại vi phạm và yêu cầu của bên khiếu nại để hiểu đúng sự việc;

2. Tìm hiểu các quy định pháp luật làm căn cứ của việc khiếu nại và các quy định pháp luật có liên quan hoặc nhờ Luật sư, Người đại diện sở hữu công nghiệp có chuyên môn sâu tư vấn về vụ việc cũng như giải pháp xử lý

3. Thu thập tất cả các bằng chứng chứng minh quyền sở hữu và quyền sử dụng tên gọi kênh của mình. Trong trường hợp này việc lưu giữ các thông tin, tài liệu về quyền sở hữu và sử dụng tên kênh Youtube của mình (như Hợp đồng, thư trao đổi, biên lai chuyển tiền, thanh toán …) là rất quan trọng.

4. Luôn thiện chí cộng tác và tích cực tương tác, trao đổi với bên khiếu nại để hai bên hiểu nhau và tìm ra giải pháp xử lý tốt nhất cho các bên, ví dụ đàm phán mua lại nhãn hiệu của họ nếu thấy hợp lý.

5. Chủ kênh có thể gửi các thông tin, tài liệu chứng minh, giải trình về quyền sở hữu, sử dụng tên gọi kênh của mình cho Đơn vị chủ quản Youtube (Google) để họ cho ý kiến hoặc hướng dẫn cách giải quyết.

6. Nếu đã cố gắng mà việc đàm phán, hòa giải không đạt được thì cần chuẩn bị phương án giải quyết thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, ví dụ: khiếu nại hủy văn bằng bảo hộ của bên kia tại Cục SHTT nếu có căn cứ và bằng chứng hoặc khởi kiện ra tòa để yêu cầu Tòa giải quyết nếu cần…

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Luật sư Tuyên, khi bị khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu cần thông qua các tổ chức hành nghề luật sư/các Tổ chức dịch vụ Đại diện Sở hữu công nghiệp do NOIP cấp phép hoạt động để có được các phương án xử lý phù hợp. Ngoài ra, cũng cần xem xét tình trạng và phạm vi quyền của bên khiếu nại, các bằng chứng họ đưa ra.

Phóng viên: Theo luật sư Tuyên, biện pháp lập kênh mới, sau đó đăng ký nhãn hiệu có phải là cách tối ưu khi bị rơi vào trường hợp trên?

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Như tôi đã trình bày, các chủ kênh Youtube có thể thực hiện việc đàm phán hoặc thủ tục hủy hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT với những tài liệu chứng minh và lập luận nhất định để có thể giữ lại tên kênh Youtube của mình.

Do đó, việc lập kênh mới sau đó đăng ký nhãn hiệu không phải là giải pháp tốt, tránh tranh chấp nhưng chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Điều này bởi vì việc tạo một kênh Youtube hoàn toàn mới có thể khiến chủ kênh đích thực bị mất toàn bộ người đăng ký xem kênh (subcriber) hiện tại và phải mất khá nhiều thời gian, công sức, tài chính đầu tư để xây dựng lại từ đầu. Đồng thời, việc tạo kênh Youtube mới cũng có thể gián tiếp hiểu là Chủ kênh Youtube thực thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Phóng viên: Với kinh nghiệm nhiều năm trong giải quyết tranh chấp về SHTT, các chuyên gia có thể đề xuất phương án tốt nhất để tránh bị mất tên kênh (nhãn hiệu) cho các cá nhân, tổ chức đã và sẽ làm công việc sáng tạo nội dung trên YouTube? Chuyên gia có lời khuyên gì dành cho họ không?

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

Hệ thống pháp luật Việt Nam về Sở hữu trí tuệ áp dụng nguyên tắc “First to file” (nguyên tắc nộp đơn đầu tiên) nên để tránh mất tên kênh thì thủ tục đăng ký xác lập Quyền Sở hữu trí tuệ phải được thực hiện sớm nhất có thể và trước thời điểm công bố cho công chúng biết. Hơn nữa, để việc đăng ký an toàn và hiệu quả thì nên thông qua các Tổ chức dịch vụ Đại diện Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp phép hoạt động. Danh sách các tổ chức này được NOIP công bố/cập nhật tại website của mình (http://noip.gov.vn).

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

Hoàn toàn đồng ý với quan điểm của luật sư Uân, tôi cho rằng, việc tiến hành thủ tục tra cứu khả năng bảo hộ và đăng ký nhãn hiệu đối với tên kênh Youtube ngay khi lập kênh hoặc sớm nhất có thể tại Cục SHTT là giải pháp tốt nhất để các cá nhân, tổ chức đã, đang và có ý định lập kênh Youtube và làm công việc sáng tạo nội dung trên Youtube để xác lập quyền độc quyền nhãn hiệu về pháp lý cho mình cũng như tránh các rủi ro, tranh chấp pháp lý với bên thứ ba, tránh bị Youtube yêu cầu xóa kênh do vi phạm nhãn hiệu.

Việc hiểu biết rõ các quy định pháp luật để áp dụng đúng trong hoạt động kinh doanh là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần tham vấn và sử dụng dịch vụ pháp lý từ các luật sư, công ty đại diện sở hữu trí tuệ để chơi đúng luật và tạo lợi thế vững chắc về pháp lý cho mình. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cần hiểu rằng, hiểu luật và chơi đúng theo luật là cách an toàn nhất để bảo vệ tài sản của mình, phát triển bền vững và thành công.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn hai chuyên gia về cuộc trao đổi.

Kinh doanh sẽ thất bại nếu không hiểu luật chơi. Hiện tượng nhiều công ty được lập nên chỉ để đi tìm những nhãn hàng hay kênh YouTube mới nổi, sau đó nộp đơn đăng ký làm nhãn hiệu hay logo nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng đã thực sự trở thành rào cản đối với tự do thương mại và dịch vụ. Chính vì vậy, các cá nhân, tổ chức khi tiến hành kinh doanh cần thực hiện thủ tục đăng ký xác lập Quyền Sở hữu trí tuệ sớm nhất có thể, đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”.

Keywords: Bảo hộ tên kênh youtube, bảo hộ thương hiệu, TamMaoTv, Nhãn hiệu Youtube, Bảo hộ thương hiệu bền vững, tầm quan trọng của đăng ký nhãn hiệu (baohotenkenhyoutube, baohothuonghieu, TammaoTV, Nhanhieuyoutube, baohothuonghieubenvung, tamquantrongcuadangkynhanhieu) 

Bình luận bài viết

Không có bình luận

X