Kiều Hải, ELITE LAW FIRM
LTS: Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website tiếng Việt đang “công khai” chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên mạng và đa phần trong số đó không mua bản quyền. Vì sao câu chuyện bản quyền phim ảnh, dù đã được xã hội quan tâm bấy lâu nay, vẫn còn nhiều kẽ hở và chưa thể xử lý triệt để?
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, mạng internet phát triển kéo theo hàng loạt tiện ích ra đời. Con người bây giờ chỉ cần ngồi nhà cũng có thể có những trải nghiệm như ở rạp chiếu phim với các thiết bị tiện ích như máy chiếu phim mini, hệ thống loa hiện đại, cùng với đó là kho phim trên Internet đồ sộ hơn bất cứ rạp chiếu phim nào. Đi cùng với sự phát triển đó, hàng loạt các trang phim ra đời, đăng tải những bộ phim chính thống, có bản quyền chất lượng cao, có thể kể đến như Netflix, iflix, fim+… Đáng buồn thay, song song với sự phát triển của các nền tảng phim chính thống là các kênh phim lậu sao chép phim trái phép đang mọc lên như nấm, tràn lan thiếu kiểm soát.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website tiếng Việt đang “công khai” chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên mạng và đa phần trong số đó không mua bản quyền. Họ trục lợi bằng cách đánh vào tâm lý người sử dụng bởi sự tiện lợi và hoàn toàn miễn phí khi sử dụng. Điều này khiến các kênh phim lậu trở thành ưu tiên lựa chọn của người xem thay vì các kênh phim chính thống chất lượng cao.
Một ví dụ được rất nhiều người biết đến đó là phimmoi.net – website phim lậu nổi tiếng từ lâu, chuyên cung cấp các bộ phim, chương trình truyền hình, TV series có phụ đề. Đặc điểm khiến phimmoi nhanh chóng trở nên phổ biến là bởi kho phim ở đây rất đồ sộ, cập nhật phim mới cực kỳ nhanh.
Đáng chú ý, trước khi bị cơ quan chức năng sờ gáy, web phim lậu này liên tục áp dụng chiêu trò “thoát xác” nhằm tái diễn đăng tải trái phép những bộ phim vi phạm bản quyền. Cụ thể là sau nhiều lần bị đánh sập, quản trị của trang web phimmoi không chịu khuất phục mà còn lách luật bằng cách thay đổi hàng loạt tên miền khác nhằm qua mặt các cơ quan chức năng như: Phimmoiz.net, phimmoizz, phimmoizzz, zphimmoi… Các tên miền này đều có chung từ khóa “phimmoi”, chỉ thêm một vài ký tự khác để tránh bị chặn.
Điều đáng nói là khi một tên miền bị đánh sập, quản trị trang web này sẽ chỉ cần kích hoạt tên miền mới và liên kết với kho phim vốn có của mình. Các website mới sau khi kích hoạt cũng tiếp tục hiển thị nhiều quảng cáo trái phép đang bị cấm tại Việt Nam như đánh bài ăn tiền, cá độ bóng đá, tín dụng đen. Được biết, giá quảng cáo cho mỗi banner trên trang web này khoảng 20 triệu đồng/ tuần, trong khi đó mỗi giao diện có gần chục banner thay đổi liên tục. Và với 60-90 triệu lượt truy cập mỗi tháng, ước tính trang web này có thể thu lợi cả chục, thậm chí cả trăm tỉ đồng từ quảng cáo.
Các chuyên gia an ninh mạng chia sẻ, các trang web phimmoi đều sử dụng tên miền quốc tế, có giá thành rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/năm. Vì vậy, tình trạng cứ mỗi khi có một trang web phim lậu “chết” đi, sẽ ngay lập tức xuất hiện một website khác thay thế là điều không thể tránh khỏi. Thường các tên miền mới dễ mua, giá rẻ, khiến việc chặn tên miền của web phim lậu chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Đây là thực trạng chung không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia phải đối mặt nhằm xử lý hành vi vi phạm bản quyền
Hiện nay, nhà nước đã ban hành các điều luật để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền phim. Theo quy định tại Điều 27, Nghị định 131/2013, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15 – 35 triệu đồng.
Theo Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với tổ chức, cá nhân vi phạm như: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại.
Tuy nhiên, rất khó để xử phạt các kênh phim lậu bởi không xác định được chủ thể vi phạm đứng đằng sau các website phim lậu này. Bên cạnh đó, việc lập các website phim lậu vô cùng dễ dàng và không mất nhiều chi phí, chặn website này thì 2,3 website khác đã mọc lên ngay tức thì, tiêu biểu như vụ việc của website phimmoi.net. Đây chính là vấn đề cực kỳ nan giải khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu.
Không những vậy, chính người sử dụng các nền tảng phim không chính thống này đang “vô tình nhưng hữu ý” tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền. Trong rất nhiều cuộc khảo sát, hơn 3/4 số người được hỏi đều phân biệt được các kênh phim chính thống với kênh phim không chính thống, và nhận thức được hệ quả xấu của việc xem phim không chính thống. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục xem phim lậu. Vì sao vậy? Có lẽ bởi các kênh phim lậu đó hiểu rất rõ tâm lý chuộng những gì miễn phí và ưa sự tiện lợi của người Việt Nam – thói quen dung miễn phí đã vô tình tiếp tay cho những kẻ vi phạm bản quyền, gây tổn thất lớn cho doanh thu của những nhà làm phim chính thống. Nhưng, thói quen này sẽ phải thay đổi vì các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ và luật bản quyền sắp tới sẽ ra tay, xử lý nghiêm các trang web xâm phạm bản quyền phim , đặc biệt là phim nước ngoài nhằm bảo vệ nghiêm quyền của các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và chủ sở hữu phim theo đúng quy định của Luật SHTT và các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký.
Cuộc chiến với phim lậu vẫn sẽ còn kéo dài. Để xử lý triệt để được “vấn nạn” này, bên cạnh việc tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phía các cơ quan chức năng, mỗi cá nhân với tư cách là khán giả cũng cần có ý thức tôn trọng bản quyền điện ảnh và coi việc trả phí để xem một bộ phim hay, có giá trị là điều đương nhiên, thể hiện sự tôn trọng trí tuệ, công lao sáng tạo nghệ thuật, chất xám của những người làm điện ảnh và của nhà đầu tư.
Keywords: Bản quyền phim, phim lậu, phimmoi.net, điện ảnh, luật sở hữu trí tuệ, ELITE LAW FIRM.