Tổng hợp bởi: ELITE Law Firm
1. DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRÌNH QUỐC HỘI
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về việc cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 tới…
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình của của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và tiến hành thảo luận về nội dung này.
Kết luận nội dung thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, đúng quy định, đầy đủ hồ sơ, tài liệu kèm theo và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Hồ sơ thẩm tra cũng được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nghiêm túc và có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, có chất lượng tốt và tương đối đầy đủ, bao quát, được cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản thống nhất, đánh giá cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án luật đủ điều kiện để hoàn chỉnh, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội.
Về các vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ như đã xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tên gọi này phù hợp với nội dung Chính phủ đang trình.
Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ nhất trí với phương án chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đồng thời yêu cầu tiếp thu, giải trình, làm rõ việc áp dụng cơ chế này đối với nhóm quyền tác giả, quyền liên quan, đối với giống cây trồng; làm rõ hơn cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả theo tinh thần Nghị quyết 20 của Đảng và tiếp tục rà soát các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Về vấn đề thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc không đồng ý thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính mà giữ như quy định hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nhóm quy định cụ thể, lưu ý các nhóm nội dung Chủ tịch Quốc hội đã nêu; đồng thời làm rõ thêm vấn đề tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký quyền sở hữu công nghiệp; rà soát thêm các nội dung về c
huyển đổi số, về tài sản trí tuệ, trí tuệ nhân tạo, kiểm soát an ninh khi chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật cụ thể các điều khoản, hoàn chỉnh Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật để gửi Ủy ban Pháp luật thẩm tra chính thức đảm bảo tiến độ và thời gian theo đúng quy định./.
2. Sửa đổi, bổ sung một sốvề thương mại điện tử
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Theo quy định mới, đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm, như năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Bổ sung trách nhiệm của thương nhân
Về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, Nghị định bổ sung đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia;
Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán;
Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 36 mà gây thiệt hại.
3. Tin tức về xử lý các mặt hàng y tế nhập lậu
Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra vô cùng căng thẳng và khó lường tại Việt Nam, đã có một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình này để chuộc lợi bằng cách nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng để bán ra thị trường nội địa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngày 02/9, Đội QLTT số 7 Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Hà Thanh do ông Mai Tuấn Vũ làm đại diện theo pháp luật, phát hiện thu giữ 1.000 bộ kit test nhanh Covid-19. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại địa điểm kinh doanh có 1.000 bộ kit test nhanh Covid-19 Hàn Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ (hợp pháp) chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tại đây, đại diện Công ty chưa xuất trình được số đăng ký lưu hành của sản phẩm. Đội QLTT số 7 đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Ngày 4/9, Công an quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội đã bắt quả tang 01 đối tượng đang giao hàng hóa tại phường Phú Diễn có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng giao 1.000 viên thuốc phòng, điều trị Covid-19 có chữ tiếng Nga không có hóa đơn chứng từ. Đối tượng này khai được một người tên Thủy thuê đem giao hàng cho khách. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập anh Thủy đến cơ quan Công an làm việc. Tại cơ quan Công an, anh Thủy khai nhận thuốc điều trị Covid-19 trên được thu gom từ các nguồn trên mạng để bán kiếm lời. Nếu bán trót lọt có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng. Hiện Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Ngày 14/9, qua hoạt động theo trên nền tảng thương mại điện tử, Kiểm soát viên thị trường tỉnh Tuyên Quang phát hiện một cá nhân đang rao bán số lượng lớn khẩu trang y tế thông qua tài khoản facebook có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại. Trong một thời gian ngắn, bằng biện pháp nghiệp vụ lực lượng chức năng đã xác định được đối tượng và địa chỉ nên tiến hành kiểm tra theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện có 13.350 khẩu trang y tế loại 4 lớp được đóng gói trong hộp giấy (mỗi hộp 50 cái). Chủ cửa hàng đã không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Được biết cửa hàng này kinh doanh các mặt hàng gia đình, tuy nhiên do thấy tình hình bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chủ cửa hàng đã mua thêm khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ của một người không rõ lai lịch để đăng lên mạng xã hội bán kiếm lời. Với những dấu hiệu vi phạm trên, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và triệu tập chủ cửa hàng đến trụ sở của Đội QLTT số 1 để xác minh làm rõ các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại theo đúng quy định.
Chiều ngày 16/9, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hành chính đột xuất đối với một chiếc xe tải và phát hiện phương tiện này đang vận chuyển 3.500 sản phẩm khẩu trang 3M có dấu hiệu nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Tổng giá trị lô hàng ước tính là khoảng 24.500.000 đồng. Đội QLTT số 1 đã xử phạt hành chính 8.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ lô hàng vi phạm.
4. Tin tức về xử lý hàng hóa giả mạo
Thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định 68/QĐ – QLTT ngày 12/5/2021 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tăng cường công tác giám sát địa bàn, tuyến trọng điểm về hàng hóa. Và mới đây, vào ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Công an thị xã Hương Thủy kiểm tra, phát hiện 681 sản phẩm áo khoác không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel và nhãn hiệu hình Louis Vuitton, Burberry chứa trong 02 bao tải được tập kết tại Lề đường Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế với giá trị ước tính khoảng 150 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành thẩm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/9, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh “Vạn Sống” tại số 50, đường Đống Đa, phường Châu Phú A. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên 2.400 sản phẩm là nước xịt tóc, nước sơn móng tay, máy sấy tóc, mặt nạ đắp mặt… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ hộ kinh doanh “Vạn Sống” không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ hợp lệ của số hàng hóa nói trên. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đến khoảng 13h cùng ngày, Tổ công tác tiếp tục tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh Thanh Hà 1, tại số 29, đường Đống Đa (phường Châu Phú A) và tiếp tục phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 600 chai keo xịt tóc, nước hoa, nước sơn móng tay; 53 máy cắt, uốn tóc và 120 hộp sáp vuốt tóc, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có xuất xứ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Chủ hộ kinh doanh cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ hợp lệ của số hàng hóa trên, nên Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Keywords: Elite, Bản tin sở hữu trí tuệ, Xâm phạm nhãn hiệu, Hàng hóa giả mạo, Thương mại điện tử, Luật sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ