Ngày nay, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng internet đã giúp các tài sản trí tuệ được phát hành, lan truyền và giao dịch rộng rãi, trở nên dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng đó khiến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng xuất hiện nhiều và ở mức độ nghiêm trọng. Trước tình hình đó, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Khái niệm
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng các phương thức hợp pháp để bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi sự xâm phạm.
Tại sao cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng?
Dù quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng bên ngoài hay đối tượng trên không gian mạng thì cũng đều cần được bảo vệ bởi những lợi ích như kích thích sự sáng tạo, thúc đẩy kinh doanh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo uy tín cho cá nhân/doanh nghiệp, mang lại lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, internet là môi trường phức tạp và khó quản lý nên càng cần đến sự bảo vệ chặt chẽ hơn.
Hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến trên không gian mạng
Xâm phạm về nhãn hiệu:
– Đăng ký tên miền là nhãn hiệu của người khác
Một tên miền trên internet chỉ có thể được sở hữu bởi một chủ sở hữu trên toàn thế giới. Hay nói cách khác, không thể có nhiều tên miền giống nhau hay tương tự nhau gây ra nhầm lẫn. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: Ai đó có thể đang sử dụng tên miền tương ứng với nhãn hiệu của bạn một cách vô tình mà không biết, hay cũng có thể là họ muốn “chiếm dụng tên miền” nhằm mục đích lợi dụng giá trị thương hiệu hoặc ép bạn chuộc lại với giá cao.
Một trong những vụ việc thực tiễn điển hình cho vấn đề này là vụ tranh chấp tên miền của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên. Cụ thể, trên con đường chinh phục thị trường Australia, Trung Nguyên đã phát hiện ra công ty The trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền Trung Nguyên dưới hình thức một website giao dịch thương mại “www.trungnguyen.com.au”. Website này phân phối trực tuyến các sản phẩm mang thương hiệu Highlands Coffee của Công ty cổ phần quốc tế Việt Thái đặt trụ sở tại Việt Nam. Sau rất nhiều nỗ lực thì đến năm 2014, website này đã dừng hoạt động và mọi sự tranh chấp mới chấm dứt. Chính sự thiếu hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng và sự chủ quan giữa các bên đã dẫn đến việc xâm phạm về nhãn hiệu và gây tổn thất cho doanh nghiệp.
– Xâm phạm nhãn hiệu trong thương mại điện tử
Khác với môi trường giao dịch truyền thống, trong thương mại điện tử, người này có thể dễ dàng sử dụng hình ảnh sản phẩm của người khác để quảng bá, “treo đầu dê bán thịt chó”. Hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hay sử dụng từ ngữ, hình ảnh trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác trong hoạt động quảng cáo là những điều cấu thành hành vi xâm phạm về nhãn hiệu.
Sách giả được buôn bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử
Xâm phạm về bản quyền
– Hành vi ăn cắp trên mạng internet
Các bên xâm phạm sao chép toàn bộ hoặc một phần tác phẩm của người khác trên internet, bao gồm các tác phẩm và tài liệu nghe – nhìn, sau đó xuất bản chúng như thuộc quyền sở hữu của mình.
– Đăng tải lại tác phẩm khi chưa được sự cho phép
Trừ trường hợp pháp luật quy định khác, bất kỳ hành động đăng tải lại một tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu đều cấu thành sự xâm phạm.
Ví dụ: Các trang web đăng tải lại những trận đấu bóng đá Ngoại hạng Anh mà chưa mua bản quyền.
Đăng tải phim lậu là hành vi xâm phạm bản quyền trên internet
– Phân phối sản phẩm của người khác mà chưa được sự cho phép
Hành vi này liên quan đến việc tải các văn bản, hình ảnh, video, phần mềm online,…đã đăng ký bản quyền trước đó với mục đích thương mại để kiếm lời cho bản thân.
– Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc sản phẩm của người khác
Hành vi này gây ảnh hưởng xấu tới danh dự, uy tín của chủ sở hữu sản phẩm
Các hình thức khác
Ngoài những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong không gian mạng được đề cập ở trên, còn có những xâm phạm về giao dịch bảo mật hoặc cạnh tranh không lành mạnh trên Internet. Không gian mạng là môi trường vô cùng phức tạp và khó quản lý, những hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở đây ngày càng xuất hiện đa dạng và tinh vi hơn.
Giải pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng
Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, trước hết, mỗi chủ thể cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề này. Từ đó, có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ ngay từ ban đầu để tránh các tranh chấp, lùm xùm đáng tiếc về sau.
Bên cạnh đó, cá nhân và tổ chức cần thường xuyên rà soát, kiểm tra xem có ai đó cố tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình hay không. Nếu phát hiện ra cần nhanh chóng có động thái xử lý. Một số chế tài pháp lý được đề xuất sử dụng như sau:
– Gửi thư của luật sư
Nếu hành vi xâm phạm không quá nghiêm trọng thì biện pháp giải quyết tranh chấp bằng cách thể hiện bằng chứng về quyền sở hữu của mình là lựa chọn đầu tiên. Chủ sở hữu có thể gửi thư từ luật sư của mình cho bên vi phạm hoặc bên khác có liên quan. Tuy nhiên, nếu bên vi phạm không thiện chí giải quyết mà phớt lờ, từ chối trả lời thư và tiếp tục hành vi xâm phạm thì chủ sở hữu nên áp dụng những biện pháp nặng tay hơn. Lá thư này sẽ được coi như là bằng chứng về thái độ bất hợp tác của đối phương.
– Nộp đơn khiếu nại đến trang thương mại điện tử
Đã có không ít vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra trên các sàn thương mại điện tử. Việc nộp đơn khiếu nại đến trang thương mại điện tử được xem như biện pháp nhanh gọn và trực tiếp. Họ sẽ có trách nhiệm giải quyết bằng cách xóa hoặc block (chặn) các link vi phạm sau khi xác định hành vi vi phạm trên là chính xác.
– Làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng
Chủ sở hữu hợp pháp có thể làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền thông qua luật sư về mảng sở hữu trí tuệ. Sau đó cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra và đưa đến kết luận, xử phạt đối tượng vi phạm và các bên liên quan theo luật đã ban hành về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
– Áp dụng chế tài dân sự
Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ở mức độ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng thì chủ sở hữu hợp pháp có thể áp dụng chế tài dân sự để xử lý.
Chế tài dân sự là việc người bị vi phạm phải tiến hành khởi kiện vụ án ra toà án có thẩm quyền để yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, ngừng hành vi vi phạm. Biện pháp này do chính chủ thể quyền áp dụng chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước tiến hành.
Theo quy định tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), để xử lý tổ chức cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự bao gồm:
+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
+ Buộc xin lỗi cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
+ Buộc bồi thường thiệt hại;
+ Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Trên đây là thông tin cung cấp cho Quý khách hàng và bạn đọc về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. Để được hỗ trợ tư vấn xử lý xâm phạm cũng như xác lập quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT ELITE LAW FIRM
Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội,
Việt Nam
ĐT: (+84-24) 3 7373051 / 0988746527
Fax: (+84-24) 3 7373056
Email: info@lawfirmelite.com
Website: www.lawfirmelite.com
Keywords: quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, đăng ký sở hữu trí tuệ, ELITE LAW FIRM