Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các ca sỹ khi biểu diễn các tác phẩm âm nhạc trước công chúng có các quyền liên quan đến quyền tác giả, hay còn gọi là quyền liên quan. Các ca sỹ, người thể hiện tác phẩm, làm cho tác phẩm được “sống” trong lòng công chúng và người mến mộ. Do đó, quyền liên quan nói chung và chương trình biểu diễn của các ca sỹ nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó như nhịp cầu đưa tác phẩm đến với công chúng, khán, thính giả, trên toàn thế giới và giúp cho tác phẩm được “sống” và lan tỏa khắp mọi nơi. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ những quy định pháp luật về quyền biểu diễn của ca sỹ, một đối tượng của quyền liên quan, dưới dạng hỏi – đáp để Quý khách hàng tiện theo dõi.
Quyền biểu diễn trước công chúng là gì?
Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được. (Theo Điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018)
Người biểu diễn có những quyền gì?
Khi biểu diễn trước công chúng, các ca sĩ có quyền của người biểu diễn được quy định tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành, như sau:
– Nếu Người biểu diễn (ca sỹ) đồng thời là chủ đầu tư đối với chương trình biểu diễn thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
– Trong trường hợp người biểu diễn . Theo đó, nếu chương trình biểu diễn do người khác đầu tư tài chính, cơ sở vật chất kĩ thuật để thực hiện cuộc biểu diễn thì ca sỹ được trả thù lao và có đầy đủ các quyền nhân thân theo quy định.
Quyền nhân thân của quyền liên quan bao gồm các quyền sau đây:
- Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
- Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Quyền tài sản của quyền liên quan bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
- Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình.
- Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng
- Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Chúng tôi xin lưu ý:
– Người biểu diễn/ca sỹ không được chuyển nhượng các quyền nhân thân .
– Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền nêu trên phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.
Thời hạn bảo hộ đối với chương trình biểu diễn của ca sỹ là bao lâu?
Quyền của ca sỹ/người biểu diễn đối với chương trình biểu diễn, chương trình ca nhạc được bảo hộ trong thời hạn 50 (năm mươi năm) tính từ năm tiếp theo năm chương trình biểu diễn được tổ chức hoặc được định hình.
Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền đối với quyền của người biểu diễn?
Các hành vi sau đây bị coi là hành vi xâm phạm đối với quyền của người biểu diễn (theo quy định tại điều 35 Luật SHTT):
- Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn.
- Mạo danh người biểu diễn.
- Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình mà không được phép của người biểu diễn.
- Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
- Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình mà không được phép của người biểu diễn.
- Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
- Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
Thủ tục đăng ký bảo hộ Quyền tác giả, quyền liên quan
Mời Quý khách hàng và bạn đọc theo dõi bài viết sau: TƯ VẤN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN TẠI VIỆT NAM (lawfirmelite.com)TƯ VẤN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN TẠI VIỆT NAM (lawfirmelite.com)
Đề được hỗ trợ thêm thông tin về Quyền của ca sỹ khi biểu diễn trước công chúng, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH ELITE-ELITE LAW FIRM
255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
SĐT: 0243 7373 051
Hotline: 0988 746 527
Email: info@lawfirmelite.com
Keywords: quyền biểu diễn, bảo hộ quyền liên quan, ca sỹ biểu diễn trước công chúng