Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có tác động như thế nào đối với quyền tác giả?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (viết tắt là CMCN 4.0) đang phát triển rất nhanh chóng trên thế giới và cũng như ở Việt Nam. Bảo vệ thành quả sáng tạo công nghệ đang dần trở thành vấn đề được nhiều nhà sáng tạo nội dung trên môi trường số quan tâm. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, quy định của pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam cần phải có sự thay đổi phù hợp để giúp các nhà sáng tạo yên tâm và tạo ra nhiều nội dung giá trị cho cộng đồng trên môi trường số.
Khái quát về CMCN 4.0
(Ảnh: Djelantik)
Để đánh giá sự phát triển của CMCN 4.0 có ảnh hưởng thế nào với quyền tác giả, trước tiên chúng ta sẽ khái quát qua về cuộc cách mạng này.
CMCN 4.0 ngày nay bao gồm các yếu tố cốt lõi sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data) được thể hiện bởi 4 đặc trưng sau:
Một là, đẩy mạnh các công nghệ về máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh dựa trên nền tảng của sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật.
Hai là, đưa công nghệ in 3D thực hiện hoàn thiện toàn bộ quy trình sản xuất mẫu sản phẩm. Với công nghệ này, các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ – cho phép con người có thể in ra sản phẩm mới bằng những phương pháp phi truyền thống, bỏ qua các khâu trung gian và tối thiểu chi phí sản xuất.
Ba là, công nghệ nano và vật liệu mới tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực.
Bốn là, trí tuệ nhân tạo và điều khiển học cho phép con người kiểm soát từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn.
Trong những đặc trưng nêu trên, AI và IoT đang tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền công nghệ nhiều Quốc gia trên thế giới. Trở thành mục tiêu được nhiều Quốc gia hướng tới cho nền công nghệ của đất nước họ.
Ở Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thay đổi nhiều mặt của đời sống công nghệ tại Việt Nam. Việc tiếp cận thông tin đang dần thay đổi theo xu hướng số: giải trí trực tuyến (xem phim Netflix, nghe nhạc Spotify (online music streaming service)…); tiếp cận kiến thức trực tuyến (đọc sách, tác phẩm văn học chỉ cần smartphone, ipad…); công nghệ thanh toán thông minh qua điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh (mua sắm và thanh toán chỉ 1 chạm thông qua ví điện tử, thẻ thanh toán toàn cầu, thanh toán qua Bitcoins…); ngân hàng số (nơi các giao dịch ngân hàng diễn ra trực tuyến từ khâu mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn…. được thực hiện hoàn toàn qua máy tính và điện thoại thông minh mà không cần phải đến ngân hàng) và đặc biệt là nhiều ngành nghề mới xuất hiện mà trước đây chưa hề tồn tại, có thể đem lại thu nhập lớn hơn rất nhiều so với các ngành nghề truyền thống như: Youtuber (Người sản xuất các video clips và chia sẻ trên kênh youtube và website); Streamer (Người quay và phát sóng trực tiếp các video qua các trang website/app. facebook, Youtube, Twitch); các công việc nghiệp vụ trực tuyến như: Bác sĩ online, luật sư online, gia sư online, degisner online, content marketing, bán hàng online….
Công nghệ đang dần thay đổi cuộc sống của chúng ta, đồng nghĩa với việc bảo vệ những thành quả sáng tạo nội dung trên nền tảng số của tác giả khó khăn. Điển hình như vấn đề sao chép lại nội dung khi chưa được phép của tác giả (sao chép trái phép) nhằm mục đích kiếm tiền. Thậm chí, có những hành vi giả mạo tác giả để lừa dối khách hàng, người tiêu dùng bởi người thứ 3. Vì vậy, để bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số, pháp luật Việt Nam cần có sự cập nhật, đổi mới để bắt kịp với xu hướng số hóa – là xu thế tất yếu của cuộc CMCN 4.0.
Thực trạng xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số
Hiện nay, có rất nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số như: đăng tải các tài nguyên âm nhạc, videos, phim ảnh trái phép kênh truyền thông riêng để kiếm tiền; Scan và đăng tải sách, truyện đăng lên mạng khi không được phép của tác giả; làm giả hình dáng, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì sản phẩm của người khác trái phép vào mục đích kinh doanh.
Về sao chép tài nguyên phim ảnh trái phép, có thể kể đến các trang như Phimmoi, HDonline, Phimbathu, bilutv.…nằm trong danh sách 83 website “có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình” theo thông tin từ Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Bạn đọc có thể theo dõi danh sách tại đây. Là những trang web đã bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dùng các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, chặn truy cập vào ngày 20/06/2020. Dưới đây là: Danh sách một số website có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình (abei.gov.vn)
Về giả mạo hình dáng, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì sản phẩm của người khác đã có nhiều cuộc thanh tra quyết liệt để bảo vệ quyền tác giả, cũng như người tiêu dùng. Gần đây nhất là Ngày 22/6/2021, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thực hiện cuộc rà soát quy mô lớn đến các kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên; thu giữ hàng chục tấn sản phẩm phần lớn đều không có giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook đang phát triển mạnh và có lượng người dùng lớn tại Việt Nam. Việc sao chép nội dung sáng tạo (video, âm nhạc, sách, tài liệu trực tuyến..) và bán các sản phẩm nhái các sản phẩm của người khác đang là vấn đề khó kiểm soát cho các cơ quan chức năng.
Như vậy, công tác bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số vẫn đang được thực hiện nhưng còn hạn chế, do sự phát triển của công nghệ khiến cho nhiều cách xâm phạm quyền tác giả chưa được quy định trong các văn bản pháp luật về quyền tác giả.
Pháp luật về quyền tác giả cần có những thay đổi như thế nào để phù hợp với sự phát triển của công nghệ?
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) cần mở rộng hơn nữa các đối tượng quyền tác giả cho phù hợp. Dưới đây là một vài đóng góp về vấn đề này:
Một là, cần làm rõ hơn quy định về quyền tác giả trong môi trường số trong Luật SHTT và các văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể là luật nên quy định rõ hình thức thể hiện các tác phẩm dưới dạng hình thức điện tử (và văn bản dạng số khác) tại Điều 4 và Điều 14 Luật SHTT.
Hai là, cần quy định rõ hơn về hành vi sao chép xâm phạm đến quyền tài sản trong môi trường số/môi trường internet. Điều 28 Luật SHTT quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả có loại trừ những hành vi sao chép không thuộc Điều 25. 1. a và đ, các hành vi này được coi là sử dụng hợp lý (fair use) và không bị coi là xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là các hành vi sau:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân (Điều 25.1.a Luật SHTT)
– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu (Điều 25.1.đ Luật SHTT)
Theo đó, chúng tôi cho rằng, cần có thêm những quy định liên quan đến môi trường số như: sao chép (copy & paste), bao gồm cả các hành vi tải xuống (download) và hành vi tải lên (upload), nội dung từ website này sang website khác, sao chép video, phim ảnh của người khác trên nền tảng internet như thế nào là hợp lý. Và tại khoản 6 điều 28 Luật SHTT cần quy định thêm về các hành vi xâm phạm trên môi trường số.
Ba là, Luật SHTT chưa làm rõ khái niệm tác phẩm đã công bố là như thế nào, các hành vi và hình thức được coi là công bố tác phẩm một cách cụ thể, dễ dẫn đến tranh chấp và khó khăn trong việc xác định thời điểm bảo hộ quyền tác giả. Trên thực tế hiện nay trên môi trường số, nhiều tác phẩm sách, điện ảnh dưới dạng điện tử/dạng số có thể được công bố và phát hành qua website hoặc phát hình trực tiếp trên website và các nền tảng mạng xã hội (youtube, facebook) dưới dạng live stream để tiếp cận tới đông đảo khán, thính giả một cách nhanh chóng và với số lượng lớn không hạn chế về số lượng người theo dõi (về lý thuyết). Do đó, chúng tôi cho rằng Luật SHTT cần quy định rõ và công nhận việc công bố tác phẩm dưới dạng điện tử/dạng số trên các mạng xã hội và các nền tảng website cũng được coi là việc công bố chính thức tác phẩm.
Bốn là, việc xác định người/ tổ chức cá nhân vi phạm đang là vấn đề khó khăn. Thông tư Liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) có quyền thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cũng như quyền đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan (quyền tác giả). Tuy nhiên, hiện nay nhiều cá nhân/ tổ chức thường sử dụng hệ thống quản trị website đặt dữ liệu ở nước ngoài, chính vì vậy, việc xác minh cần sự phối hợp với các hệ thống quản trị nước ngoài, đây là điều không dễ dàng để tìm kiếm và xử phạt các cá nhân/ tổ chức vi phạm trên internet. Do đó, luật cần có quy định rõ về cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với các trường hợp mà đối tượng xâm phạm bản quyền đặt máy chủ ở nước ngoài.
Năm là, xác định Tòa Án có thẩm quyền giải quyết vụ việc xâm phạm quyền tác giả. Để xác định Tòa Án có thẩm quyền trong nhiều vụ việc xâm phạm trên môi trường số là không đơn giản. Đối với các hành vi sao chép sử dụng Website, mạng xã hội Youtube mà không xác định được chủ thể đó là ai là vấn đề khó khăn để xử phạt. Điển hình như các website Phimmoi, HDonline, Phimbathu, Bilutv…. các biện pháp hiện nay chỉ dừng lại ở việc tạm dừng truy cập mà không thể ngăn chặn triệt để. Hơn nữa khi tìm được chủ thể, do đối tượng tranh chấp là nền tảng nước ngoài, vì vậy sẽ dẫn đến việc xung đột pháp luật và khó khăn trong thực thi. Do đó, luật cũng nên quy định rõ thẩm quyền xét xử đối với các vụ kiện xâm phạm bản quyền trong trường hợp này cũng như cơ chế phối hợp để xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền đối với các trang website đặt máy chủ ở nước ngoài nhưng hướng đến đối tượng người dùng Việt Nam trong trường hợp này.
Kết luận
Sự phát triển của công nghệ luôn gắn liền với sự phát triển của pháp luật về quyền tác giả. Hiện nay, những quy định về quyền tác giả trong Luật SHTT chưa đủ để bảo vệ toàn bộ quyền tác giả trên môi trường số. Bên cạnh đó, những nền tảng số hiện nay thường có trụ sở ở nước ngoài, chính vì vậy, đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ giữa mở rộng quy định pháp luật và công nghệ cũng như sự phối hợp với cơ quan nước ngoài sẽ giúp bảo hộ tốt hơn quyền của các nhà sáng tạo trong và ngoài Việt Nam trước những hành vi xâm phạm trong nước. Như vậy, hiện nay để bảo hộ đầy đủ quyền của mình và có cơ sở pháp lý chắc chắn để chống lại các hành vi xâm phạm, các nhà sáng tạo nội dung tác phẩm nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên tiến hành thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục bản quyền, trực thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch càng sớm các tốt.
Một số thông tin hỗ trợ đăng ký Quyền tác giả
Hồ sơ đăng ký Quyền tác giả gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
b) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền.
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa.
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả.
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Thời gian đăng ký bảo hộ quyền tác giả?
Theo quy định thời hạn đăng ký là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, thời hạn này có thể kéo dài 1-3 tháng do tình trạng quá tải của Cục Bản quyền.
Chi phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả?
Lệ phí đăng ký là khoản phí và tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ phải trả cho cơ quan đăng ký (cục bản quyền tác giả) và tùy vào từng loại hình tác phẩm sẽ có cách tính phí khác nhau. Mời Quý khách hàng xem thêm tại: Thông tư số 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả
Để được tư vấn cụ thể về thủ tục đăng ký bảo hộ Quyền tác giả, quyền liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH ELITE-ELITE LAW FIRM
255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
SĐT: 0243 7373 051
Hotline: 0988 746 527
Email: info@lawfirmelite.com
Keywords: CMCN 4.0, quyền tác giả trên môi trường số, bảo hộ quyền tác giả, xâm phạm quyền tác giả, công bố tác phẩm dưới dạng điện tử, ELITE LAW FIRM