Giám định sở hữu trí tuệ là gì? Mục đích của việc giám định về sở hữu trí tuệ

By ELITE LAW FIRM

Khi tác giả, chủ sở hữu các tài sản trí tuệ về thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống cây trồng, quyền tác giả, quyền biểu diễn… phát hiện ra những hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; họ có quyền yêu cầu Cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ. Giám định sở hữu trí tuệ là một thủ tục cần thiết trong các bước thực thi quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các quyền hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Giám định sở hữu trí tuệ

Khái niệm

Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn (về sở hữu trí tuệ) để đánh giá, kết luận về  việc có yếu tố xâm phạm hay không xâm phạm quyền hay không và những vấn đề khác có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. (Điều 201 Luật SHTT)

Để hiểu thêm về quy trình giám định sở hữu trí tuệ, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin dưới đây để các bạn nắm rõ hơn nhé

 

Những chuyên ngành nào được giám định sở hữu trí tuệ

Giám định về sở hữu trí tuệ gồm có 3 lĩnh vực cơ bản là: Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan; Giám định về quyền sở hữu công nghiệp và Giám định về quyền đối với giống cây trồng.

Về giám định quyền sở hữu công nghiệp

Theo Thông tư 04/2012/TT-BKHCN ngày 13 tháng 2 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011. Những chuyên ngành sau được giám định sở hữu trí tuệ:

i) Giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

ii) Giám định kiểu dáng công nghiệp;

ii) Giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;

iv) Giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác

 

Nội dung giám định sở hữu trí tuệ

Theo quy định khoản 1 Điều 39 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP, ngày 30/12/20210, Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm các nội dung sau đây:

 a) Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

b) Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và các điều từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định này;

c) Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

d) Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.

 

Việc giám định sở hữu trí tuệ sẽ trở thành các nguồn chứng cứ để hỗ trợ cho cơ quan  cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Văn bản kết luận giám định không đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp (theo khoản 1 Điều 51 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, ngày 22/9/2006).  Như vậy, đây là quá trình giám định về mặt pháp lý, dựa trên quy định của pháp luật để phân tích, đánh giá, làm rõ hơn những thông tin mà người làm đơn yêu cầu giám định cung cấp để phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ. 

 

Cơ quan nào có thẩm quyền giám định sở hữu trí tuệ

Điều 1 Thông tư 04/2012/TT-BKHCN ngày 13/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn về các vấn đề giám định SHCN có quy định như sau:

 

Các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp gồm:

i) Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được cấp Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận tổ chức giám định).

ii) Các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 42 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bao gồm các tổ chức sau đây:

  • Doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
  • Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã;
  •  Đơn vị sự nghiệp thành lập và hoạt động theo Quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
  •  Các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về luật sư, bao gồm: văn phòng luật sư; công ty luật trách nhiệm hữu hạn; công ty luật hợp danh; trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
  • Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức thuộc các trường hợp quy định tại khoản này chỉ được hoạt động giám định dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc theo ủy quyền của tổ chức đó”.

Hiện nay, việc thực hiện giám định sở hữu trí tuệ có thể được thực hiện thông qua cơ quan nhà nước là Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, cơ quan thuộc Bộ KH&CN, theo Giấy chứng nhận Tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp số 01/CN-SHTT do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 17/6/2009 cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.

 

Người có quyền nộp đơn giám định

Theo quy định, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH&CN) chỉ thực hiện việc giám định với những đơn giám định của người có quyền trưng cầu, yêu cầu giám định (quyền nộp đơn giám định) quy định tại Khoản 2, 3 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 40 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 119/2010/NĐ-CP, cụ thể là: 

(i) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.

(ii) Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định:

·         Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

·         Tổ chức, cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi xâm phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ;

·         Tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ.

·         Trong đơn giám định phải chỉ rõ việc người đứng đơn có quyền nộp đơn giám định. Nếu không chỉ rõ điều đó, người nộp đơn sẽ được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ yêu cầu chứng minh rằng mình có quyền yêu cầu giám định.

·         Quyền nộp đơn giám định có thể được thực hiện một cách trực tiếp hoặc qua đại diện (theo pháp luật hoặc theo ủy quyền bằng văn bản).

 

Hợp đồng dịch vụ giám định

Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 105/2006, Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên. Nội dung của hợp đồng giám định được quy định như sau:

Hợp đồng dịch vụ giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;
  •  Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên;
  •  Nội dung cần giám định;
  •  Các chứng cứ, tài liệu, hiện vật có liên quan;
  •  Thời hạn trả kết luận giám định;
  •  Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  •  Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Nộp Đơn giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Các tài liệu yêu cầu:

a. Đơn giám định phải có đầy đủ các tài liệu, mẫu vật sau đây:

(i) Văn bản thể hiện yêu cầu giám định (Quyết định trưng cầu giám định/Tờ khai yêu cầu giám định), trong đó có các thông tin về người yêu cầu / trưng cầu; đối tượng giám định; mục đích, nội dung và các yêu cầu cụ thể khác về việc giám định;

(ii) Tài liệu thể hiện căn cứ phát sinh/ xác lập quyền sở hữu công nghiệp (Văn bằng bảo hộ – Đăng ký quốc tế nhãn hiệu);

(iii) Tài liệu, Mẫu vật thể hiện đối tượng giám định (tài liệu mô tả, ảnh chụp, bản vẽ, hợp đồng giao dịch, tài liệu quảng cáo…, vật phẩm, sản phẩm, hàng hóa, bao bì … có chứa/mang đối tượng giám định);

(iv) Hợp đồng dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp;

(v) Chứng từ nộp phí giám định;

(vi) Giấy ủy quyền (nếu Đơn giám định được nộp thông qua đại diện).

 

b. Ngoài ra, Đơn có thể có các tài liệu khác nếu cần thiết cho việc giám định (tài liệu diễn giải lập luận của các bên liên quan; quyết định giải quyết vụ việc tương tự của các cơ quan có thẩm quyền; các thông tin hữu ích cho việc xem xét, đánh giá khi giám định; các kết quả kiểm nghiệm, đo lường…)

 Phí dịch vụ giám định SHCN

– Người nộp đơn giám định (bao gồm cả cơ quan có thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định) phải thanh toán phí giám định theo Biểu giá dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp trên nguyên tắc cần thực hiện công việc gì thì trả phí cho công việc đó.

– Biểu giá dịch vụ giám định được xây dựng trên cơ sở tham khảo vận dụng các mức phí tương ứng được quy định trong Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp và trên cơ sở thực tiễn chi phí nhân công, trang thiết bị, vật liệu, thông tin, năng lượng và trí tuệ để thực hiện công việc giám định.

 

Trên đây là thông tin cung cấp cho Quý khách hàng và bạn đọc về giám định sở hữu công nghiệp, để được hỗ trợ tư vấn xử lý xâm phạm cũng như xác lập quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH ELITE-ELITE LAW FIRM

255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT: 0243 7373 051

Hotline: 0988 746 527

Email: info@lawfirmelite.com

Website: lawfirmelite.com

 

Keywords: giám định sở hữu trí tuệ, thủ tục giám định sở hữu trí tuệ, ELITE LAW FIRM

Vay nhanh

Bình luận bài viết

Không có bình luận

X