Nguồn:
1. Giáo trình Quản trị công ty – NXB ĐHQG Hà Nội,
2. Bộ nguyên tắc quản trị OECD https://www.oecd.org/daf/ca/corporategovernanceprinciples/45034702.pdf
Tổng hợp bởi ELITE LAW FIRM
Quản trị công ty là khái niệm trừu tượng, mới mẻ trong quy định của pháp luật. Tuy nhiên dưới góc độ của chủ sở hữu doanh nghiệp, quản trị công ty là một khái niệm không còn quá xa lạ, nó gắn liền trực tiếp với quy định của Luật Doanh nghiệp và các nguyên tắc của quản trị công ty giống như kim chỉ nan giúp cho công ty bạn hoạt động hiệu quả.
Vậy quản trị công ty được định nghĩa như thế nào?
Quản trị công ty là hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát công ty. Quản trị công ty bao gồm những cơ chế, cơ cấu và quá trình điểu chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ sở hữu, ban điều hành và các đối tượng hữu quan khác mà thông qua đó, mọi hoạt động của công ty được định hướng, điều hành và kiểm soát một cách tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan như: cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác kinh doanh và cả môi trường, cộng đồng, xã hội. Do vậy, quản trị công ty cũng bao hàm mối quan hệ giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ công ty như giữa các cổ đông (đối với Công ty cổ phần) hoặc thành viên góp vốn (đối với Công ty TNHH), Ban giám đốc điều hành, Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên mà còn có những bên có lợi ích liên quan bên ngoài công ty. [1]
Cần hiểu quản trị kinh doanh và quản trị công ty là hai khái niệm hác nhau. Trong khi quản trị kinh doanh là việc thực hiện các hành vi quản trị nhằm duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh thì quản trị công ty là quá trình giám sát và kiểm soát thực hiện để đảm bảo cho việc thực thi quản trị kinh doanh; giúp cân bằng, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư, cũng như lợi ích của các bên liên quan khác. Quản trị công ty tập trung chủ yếu đến cơ chế định hướng, điều hành và kiểm soát để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Khuôn khổ pháp lý cho quản trị công ty ở Việt Nam
Kể từ năm 2004 đến năm 2006, quy định của pháp luật Việt Nam đã có những thay đổi để phù hợp hơn cho việc gia nhập WTO. Dưới đây là các văn bản pháp luật là khuôn khổ pháp lý cho quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay:
- Luật doanh nghiệp 2014 (sửa đổi 2020);
- Luật chứng khoán 2006 (đã sửa đổi 2010, 2019)
- Luật đầu tư 2014 (sửa đổi 2020);
- Luật cạnh tranh 2018,
- Luật phá sản 2014;
- Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 về hướng dẫn quản trị công ty đại chúng.
Nguyên tắc quản trị công ty theo OECD
OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu.
Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty của OECD được Hội đồng Bộ trưởng OECD phê chuẩn lần đầu vào năm 1999 và từ đó trở thành chuẩn mực quốc tế cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, công ty và các bên có quyền lợi liên quan khác trên toàn thế giới.
Bộ nguyên tắc đã đẩy mạnh tầm quan trọng của quản trị công ty và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các sáng kiến pháp lý và quản lý ở các quốc gia thuộc lẫn không thuộc OECD. Sau này đã được sửa đổi để bao quát các diễn biến và vấn đề mới.
Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty này tập trung vào các công ty cổ phần đại chúng trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính. Tuy nhiên, trong phạm vi có thể, bộ nguyên tắc cũng là công cụ hữu ích để nâng cao quản trị công ty ở các công ty không phải là công ty cổ phần như doanh nghiệp tư nhân và công ty nhà nước.
Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty của OECD có 6 nguyên tắc cơ bản:
Nguyên tắc 1: Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả
Khuôn khổ quản trị công ty cần thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, phù hợp với quy định của pháp luật, và phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi.
A. Khuôn khổ quản trị công ty cần được phát triển dựa trên quan điểm về tác động của nó đối với hiệu quả kinh tế nói chung, tính toàn vẹn của thị trường và các cơ chế khuyến khích mà khuôn khổ này tạo ra cho các bên tham gia thị trường, và sự thúc đẩy thị trường minh bạch và hiệu quả.
B. Các quy định pháp lý và quản lý tác động tới thông lệ quản trị công ty cần phù hợp với quy định của pháp luật, minh bạch và có khả năng cưỡng chế thực thi.
C. Việc phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý khác nhau phải được quy định rõ ràng và đảm bảo phục vụ lợi ích của công chúng.
D. Các cơ quan giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi phải liêm chính, có đủ thẩm quyền, và nguồn lực để hoàn thành chức năng của mình một cách chuyên nghiệp và khách quan. Hơn nữa, các quyết định của những cơ quan này phải kịp thời, minh bạch và được giải thích đầy đủ.
Nguyên tắc 2: Quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu chính
Khuôn khổ quản trị công ty phải bảo vệ và tạo điều kiện thực hiện quyền của cổ đông.
A. Các quyền cơ bản của cổ đông bao gồm quyền được:
1) Đảm bảo các phương thức đăng ký quyền sở hữu;
2) Chuyển nhượng cổ phần;
3) Tiếp cận các thông tin liên quan và quan trọng về công ty một cách kịp thời và thường xuyên;
4) Tham gia và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông;
5) Bầu và bãi miễn các thành viên Hội đồng Quản trị;
6) Hưởng lợi nhuận của công ty.
B. Cổ đông phải có quyền tham gia và được cung cấp đầy đủ thông tin về các quyết định liên quan tới những thay đổi cơ bản của công ty, ví dụ:
1) Sửa đổi các quy định hay điều lệ của công ty hay các văn bản quản trị tương đương của công ty;
2) Cho phép phát hành thêm cổ phiếu;
3) Các giao dịch bất thường, bao gồm việc chuyển nhượng tất cả hay một phần lớn tài sản của công ty, dẫn đến việc bán công ty.
C. Cổ đông phải có cơ hội tham gia một cách hiệu quả và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, và phải được thông tin về quy định họp Đại hội đồng cổ đông, bao gồm cả thủ tục biểu quyết:
1. Cổ đông cần được thông tin đầy đủ và kịp thời về thời gian, địa điểm và chương trình của các Đại hội đồng cổ đông cũng như thông tin đầy đủ và kịp thời về các vấn đề phải được thông qua tại các đại hội này.
2. Cổ đông phải có cơ hội đặt câu hỏi cho Hội đồng Quản trị, kể cả câu hỏi liên quan tới kiểm toán độc lập hàng năm, kiến nghị các vấn đề đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng cổ đông, và đề xuất các giải pháp trong giới hạn hợp lý.
3. Phải tạo điều kiện cho cổ đông tham gia hiệu quả vào việc ra quyết định quản trị công ty ví dụ việc đề cử và bầu chọn thành viên Hội đồng Quản trị. Cổ đông có thể đưa ra quan điểm của mình đối với chính sách thù lao cho thành viên Hội đồng Quản trị và cán bộ quản lý chủ chốt. Thưởng cổ phiếu hay quyền mua cổ phiếu trong kế hoạch thù lao cho thành viên Hội đồng Quản trị và người lao động phải được sự chấp thuận của cổ đông.
4. Cổ đông có thể biểu quyết trực tiếp hay vắng mặt và việc biểu quyết trực tiếp hay vắng mặt đều có hiệu lực ngang nhau.
D. Cơ cấu vốn và các thỏa ước cho phép một số cổ đông nắm giữ quyền kiểm soát không tương ứng với tỷ lệ cổ phần mà họ sở hữu phải được công bố công khai.
E. Thị trường giao dịch thâu tóm công ty phải được phép hoạt động một cách hiệu quả và minh bạch.
1. Quy định và thủ tục đối với việc thâu tóm công ty trong thị trường vốn và các giao dịch bất thường như sáp nhập và bán phần lớn tài sản của công ty phải được quy định và công bố rõ ràng để các nhà đầu tư hiểu được quyền và sự trợ giúp đối với mình. Các giao dịch phải diễn ra với mức giá minh bạch, trong điều kiện công bằng, bảo vệ quyền lợi của tất cả các cổ đông theo loại của họ.
2. Không được sử dụng các công cụ chống thâu tóm để bảo vệ Ban Giám đốc và Hội đồng Quản trị khỏi trách nhiệm của họ.
F. Cần tạo điều kiện thực hiện quyền sở hữu cho mọi cổ đông, bao gồm cả các nhà đầu tư tổ chức.
1. Các nhà đầu tư tổ chức, hoạt động ủy thác cần công bố thông tin về quản trị công ty và chính sách biểu quyết đối với các khoản đầu tư của họ, bao gồm cả thủ tục quyết định việc sử dụng quyền biểu quyết.
2. Các nhà đầu tư tổ chức hoạt động ủy thác cần công bố cách thức quản lý các xung đột lợi ích quan trọng có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền sở hữu cơ bản liên quan tới các khoản đầu tư của họ.
G. Cổ đông, bao gồm cả cổ đông tổ chức, phải được trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan tới quyền cổ đông cơ bản như nêu trong bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty này, trừ trường hợp ngoại lệ nhằm ngăn ngừa lạm dụng.
Nguyên tắc 3: Đối xử bình đẳng đối với cổ đông
Khuôn khổ quản trị công ty cần đảm bảo sự đối xử bình đẳng đối với mọi cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài. Mọi cổ đông phải có cơ hội khiếu nại hiệu quả khi quyền của họ bị vi phạm.
A. Tất cả các cổ đông cùng loại cần được đối xử bình đẳng như nhau.
1. Mọi cổ phiếu cùng loại và cùng một đợt phát hành đều có quyền như nhau. Nhà đầu tư trước khi mua cần được cung cấp thông tin đầy đủ về các quyền gắn liền với tất cả các đợt phát hành và loại cổ phiếu. Bất cứ thay đổi nào về quyền biểu quyết phải được sự thông qua của các cổ đông sở hữu loại cổ phiếu bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự thay đổi đó.
2. Cổ đông thiểu số phải được bảo vệ khỏi các hành động lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi hoặc vì lợi ích của các cổ đông nắm quyền kiểm soát và họ cần có các phương tiện khiếu nại hiệu quả.
3. Các tổ chức lưu ký hoặc được chỉ định đại diện cho cổ đông phải biểu quyết theo cách đã thỏa thuận với cổ đông mà họ đại diện.
4. Những trở ngại đối với biểu quyết từ nước ngoài cần được loại bỏ.
5. Các quy trình và thủ tục của Đại hội đồng cổ đông phải đảm bảo sự đối xử bình đẳng với mọi cổ đông. Các thủ tục của công ty không được gây khó dễ hoặc phát sinh chi phí không cần thiết khi biểu quyết.
B. Cần ngăn cấm giao dịch nội gián và lạm dụng mua bán tư lợi cá nhân.
C. Thành viên Hội đồng quản trị và cán bộ quản lý cấp cao phải công khai cho Hội đồng Quản trị biết họ có lợi ích đáng kể nào trong bất kỳ một giao dịch hay vấn đề gì ảnh hưởng trực tiếp tới công ty hay không, cho dù là trực tiếp, gián tiếp hay thay mặt cho bên thứ ba.
Nguyên tắc 4: Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty
Khuôn khổ quản trị công ty phải công nhận quyền của các bên có quyền lợi liên quan đã được pháp luật hay quan hệ hợp đồng quy định và phải khuyến khích sự hợp tác tích cực giữa công ty và các bên có quyền lợi liên quan trong việc tạo dựng tài sản, việc làm và ổn định tài chính cho doanh nghiệp.
A. Quyền của các bên có quyền lợi liên quan được pháp luật quy định hoặc theo các thỏa thuận song phương phải được tôn trọng.
B. Khi lợi ích của các bên có quyền lợi liên quan được pháp luật bảo vệ, các bên có quyền lợi liên quan phải có cơ hội được khiếu nại hiệu quả khi quyền lợi của họ bị vi phạm.
C. Cần xây dựng các cơ chế nâng cao hiệu quả tham gia của người lao động.
D. Khi các bên có quyền lợi liên quan tham gia vào quá trình quản trị công ty, họ phải được tiếp cận với thông tin phù hợp, đầy đủ và đáng tin cậy một cách kịp thời và thường xuyên.
E. Các bên có quyền lợi liên quan, bao gồm cả người lao động và tổ chức đại diện cho họ, phải được tự do truyền đạt những mối quan ngại của họ về những việc làm không hợp pháp hoặc không phù hợp đạo đức lên Hội đồng Quản trị và việc này không được phép ảnh hưởng tới quyền của họ.
F. Khuôn khổ quản trị công ty cần được hỗ trợ bằng một khuôn khổ về phá sản hiệu quả và thực thi hiệu quả quyền của chủ nợ.
Nguyên tắc 5: Công bố thông tin và tính minh bạch
Khuôn khổ quản trị công ty phải đảm bảo việc công bố thông tin kịp thời và chính xác về mọi vấn đề quan trọng liên quan đến công ty, bao gồm tình hình tài chính, tình hình hoạt động, sở hữu và quản trị công ty.
A. Công bố thông tin phải bao gồm, nhưng không hạn chế, các thông tin quan trọng về:
1. Kết quả tài chính và hoạt động của công ty.
2. Mục tiêu của công ty.
3. Sở hữu cổ phần đa số và quyền biểu quyết.
4. Chính sách thù lao cho thành viên Hội đồng Quản trị và cán bộ quản lý cấp cao, bao gồm trình độ, quy trình tuyển chọn, các vị trí đang nắm giữ tại công ty khác và liệu họ có được Hội đồng Quản trị coi là độc lập hay không.
5. Các giao dịch với các bên liên quan.
6. Các yếu tố rủi ro có thể tiên liệu.
7. Các vấn đề liên quan đến người lao động và các bên có quyền lợi liên quan khác.
8. Cơ cấu và chính sách quản trị, cụ thể là nội dung của bất kỳ quy tắc hoặc chính sách quản trị nào và quy trình thực hiện nó.
B. Thông tin phải được chuẩn bị và công bố phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng cao về công bố thông tin kế toán, tài chính và phi tài chính.
C. Kiểm toán hàng năm phải được tiến hành bởi một đơn vị kiểm toán độc lập, đủ năng lực và có chất lượng cao nhằm cung cấp ý kiến đánh giá độc lập và khách quan cho Hội đồng Quản trị và các cổ đông, đảm bảo rằng các báo cáo tài chính đã thể hiện một cách trung thực tình hình tài chính và hoạt động của công ty về mọi mặt chủ chốt.
D. Đơn vị kiểm toán độc lập phải chịu trách nhiệm đối với cổ đông và có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm toán một cách chuyên nghiệp đối với công ty.
E. Các kênh phổ biến thông tin phải tạo điều kiện tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời và hiệu quả chi phí cho người sử dụng.
F. Khuôn khổ quản trị công ty phải được bổ sung bằng các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ phân tích hay tư vấn do các tổ chức phân tích, môi giới chứng khoán, định mức tín nhiệm v…v cung cấp. Các phân tích, tư vấn có liên quan tới quyết định của nhà đầu tư này phải không bị ảnh hưởng bởi những xung đột lợi ích quan trọng có thể tác động đến tính trung thực của ý kiến phân tích hoặc tư vấn của họ.
Nguyên tắc 6: Trách nhiệm (giải trình) của Hội đồng quản trị
Khuôn khổ quản trị công ty cần đảm bảo định hướng chiến lược của công ty, giám sát có hiệu quả công tác quản lý của Hội đồng Quản trị và trách nhiệm của Hội đồng Quản trị đối với công ty và cổ đông.
A. Thành viên Hội đồng Quản trị phải làm việc với thông tin đầy đủ, tin cậy, siêng năng và cẩn trọng, và vì lợi ích cao nhất của công ty và cổ đông.
B. Khi quyết định của Hội đồng Quản trị có thể ảnh hưởng tới các nhóm cổ đông khác nhau theo các cách khác nhau thì Hội đồng Quản trị phải đối xử bình đẳng với mọi cổ đông.
C. Hội đồng Quản trị phải áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cao, phải quan tâm tới lợi ích của cổ đông.
D. Hội đồng Quản trị phải thực hiện các chức năng chủ yếu bao gồm:
1. Xem xét và định hướng chiến lược công ty, các kế hoạch hoạt động cơ bản, chính sách rủi ro, ngân sách và kế hoạch kinh doanh hàng năm; đặt ra các mục tiêu hoạt động, theo dõi việc thực hiện mục tiêu và hoạt động của công ty; giám sát các hoạt động đầu tư vốn, thâu tóm và thoái vốn chủ yếu.
2. Giám sát hiệu quả thực tiễn quản trị công ty và thực hiện các thay đổi khi cần thiết.
3. Lựa chọn, trả lương, giám sát và thay thế các cán bộ quản lý chủ chốt khi cần thiết và giám sát kế hoạch chọn người kế nhiệm.
4. Gắn mức thù lao của cán bộ quản lý cấp cao và Hội đồng Quản trị với lợi ích lâu dài của công ty và cổ đông.
5. Đảm bảo sự nghiêm túc và minh bạch của quy trình đề cử và bầu chọn Hội đồng Quản trị.
6. Giám sát và xử lý các xung đột lợi ích tiềm ẩn của Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị và cổ đông, bao gồm việc sử dụng tài sản công ty sai mục đích và lợi dụng các giao dịch với bên có liên quan. 7. Đảm bảo tính trung thực của hệ thống báo cáo kế toán và tài chính của công ty, kể cả báo cáo kiểm toán độc lập, và bảo đảm rằng các hệ thống kiểm soát phù hợp luôn hoạt động, đặc biệt là các hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát tài chính và hoạt động, tuân thủ theo pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan.
8. Giám sát quy trình công bố thông tin và truyền đạt thông tin.
E. Hội đồng Quản trị phải có khả năng đưa ra phán quyết độc lập, khách quan về các vấn đề của công ty.
1. Hội đồng Quản trị phải xem xét việc bổ nhiệm một số lượng đủ các thành viên Hội đồng Quản trị không điều hành có khả năng đưa ra phán quyết độc lập đối với các vấn đề khi tiềm ẩn xung đột về lợi ích. Ví dụ về các trách nhiệm chủ chốt của Hội đồng quản trị là đảm bảo tính trung thực của các báo cáo tài chính và phi tài chính, xem xét lại các giao dịch với các bên có liên quan, đề cử thành viên Hội đồng Quản trị và cán bộ quản lý chủ chốt và thù lao cho Hội đồng Quản trị.
2. Khi các ủy ban của Hội đồng Quản trị được thành lập, thẩm quyền, thành phần và quy trình hoạt động của các ủy ban phải được Hội đồng Quản trị quy định và công bố rõ ràng.
3. Thành viên Hội đồng Quản trị phải cam kết thực hiện các trách nhiệm của mình một cách hiệu quả.
F. Để thực hiện trách nhiệm của mình, thành viên Hội đồng Quản trị phải được tiếp cận với thông tin chính xác, phù hợp và kịp thời.
Kết luận
Như vậy, chúng tôi đã tổng hợp và cung cấp đến bạn khái niệm về quản trị công ty và các nguyên tắc quản trị công ty của OECD thường được áp dụng cho Công ty Cổ phần, tuy nhiên cũng được tham khảo và áp dụng cho Công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, Công ty nhà nước…
Keywords: Quản trị công ty, nguyên tắc quản trị công ty theo OECD, sách về quản trị công ty
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về vấn đề pháp lý mà các bạn đang quan tâm nhé!
CÔNG TY LUẬT ELITE LAW FIRM
Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội,
Việt Nam
ĐT: (+84-24) 3 7373051 / 0988746527
Fax: (+84-24) 3 7373056
Email: info@lawfirmelite.com
Website: www.lawfirmelite.com