[TRỢ GIÚP PHÁP LÝ] Luật sư Nguyễn Trần Tuyên tham gia chia sẻ tại buổi tọa đàm của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội

[TRỢ GIÚP PHÁP LÝ] Luật sư Nguyễn Trần Tuyên tham gia chia sẻ tại buổi Tọa đàm của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội

Mới đây, Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – giám đốc Công ty Luật Elite đã tham gia buổi Tọa đàm về chủ đề “Đồng hành cùng phụ nữ yếu thế” của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội phát vào khung giờ 11h30 – 12h ngày 5/8/2021.

Trong buổi Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Trần Tuyên đã chia sẻ đến các khách mời và anh, chị, em nghe đài về Quy định của Pháp luật có liên quan đến việc ngăn chặn bạo lực gia đình. Và hoạt động hỗ trợ pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017 để giúp chị em phụ nữ yếu thế là nạn nhân của bạo lực gia đình hiểu hơn về quyền lợi của mình được pháp luật bảo hộ.

Mời Quý khách hàng và bạn đọc theo dõi buổi Tọa đàm tại 30 phút cuối của Chuyển động Hà Nội (Trưa ngày 05/08/2021): https://hanoitv.vn/chuyen-dong-ha-noi-trua-ngay-05082021-a172480.html

trợ giúp pháp lý

Dưới đây là tóm tắt phần phỏng vấn của MC và phần chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trần Tuyên:

MC: Có thể nói bạo hành phụ nữ đã từ lâu trở thành vấn nạn xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ khoảng 48% phụ nữ nông thôn và 38% phụ nữ thành thị đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ tháng 7/2008 nhưng đến nay bạo lực gia đình chưa được thực sự bị đẩy lùi. Để hiểu rõ hơn về các hành vi bạo lực gia đình và quy định của Pháp luật có liên quan đến việc ngăn chặn bạo lực gia đình, chúng tôi xin kết nối với luật sư Nguyễn Trần Tuyên- Giám đốc Công ty Luật ELITE. Thưa luật sư, xin ông cho biết thế nào được coi là hành vi bạo lực gia đình? Và hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam điều chỉnh hành vi bạo lực gia đình như thế nào?

Luật sư Tuyên trả lời:

Xin kính chào Quý vị Thính giả nghe đài và các vị Khách mời! Hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 có quy định các hành vi cụ thể như sau:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Hành vi bạo lực quy định ở trêm cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

Tóm lại, có thể hiểu hành vi bạo lực gia đình được thể hiện qua 4 khía cạnh chính là: bạo lực về thể chất, bảo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục. Về bản chất, hành vi bạo lực gia đình là hành vi bằng lời nói hoặc hành động của một hay nhiều người làm cho một hoặc nhiều người khác trong gia đình chịu áp lực về tâm lý và đau đớn về thân thể. Dẫn đến tổn hại về sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh về hành vi bạo lực gia đình gồm những văn bản quy phạm pháp luật chính như sau:

1. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

2. Nghị định 08/2009/NĐ-CP ngày 04/2/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

3. Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

4. Quyết định 21/2016/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2016 Ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình;

5. Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ, chi tiết về các hành vi bạo lực gia đình, cũng như có các quy định phòng, chống và xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ các nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là những người phụ nữ yếu thế trong xã hội.

MC: Có một câu hỏi xin kết nối với Luật sư Nguyễn Trần Tuyên. Thưa ông, hiện nay bằng việc Quốc hội thông qua Luật trợ giúp Pháp lý (sửa đổi) năm 2017 có hiệu lực ngày 01-01-2018, có thể nói Nhà nước đã có những chính sách pháp lý cụ thể để hỗ trợ về pháp lý cho người nghèo nói chung và phụ nữ yếu thế nói riêng. Vậy, ông có thể cho biết một số nội dung cơ bản của Luật trợ giúp pháp lý là gì và thực tiễn thì văn phòng Luật sư có tham gia vào hoạt động giúp pháp lý này không?

LS. Tuyên trả lời

Vâng. Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017 đã được Quốc hội thông ngày 20/06/2017, luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật này thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định cụ thể về 14 đối tượng được nhận trợ giúp pháp lý, thay vì chỉ có 04 đối tượng như quy định của Luật cũ. Các đối tượng này bao gồm:

Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ nghèo; Người thuộc các trường hợp có khó khăn về tài chính bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án dân sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người; Người nhiễm HIV.

Theo quy định, các đối tượng nêu trên được hưởng các quyền, bao gồm:

1. Được trợ giúp pháp lý không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác;

2. Được yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc được trợ giúp pháp lý;

3. Được lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố;

4. Được thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Theo luật này thì nhóm phụ nữ yếu thế là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình thuộc hộ cận nghèo hoặc đang được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật hoàn toàn có quyền sử dụng dịch vụ trợ giúp Pháp lý miễn phí theo điểm e khoản 7 Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý 2017.

Về phía công ty chúng tôi, theo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của Luật sư, cũng như mục đích, tôn chỉ hoạt động của Công ty luật ELITE, chúng tôi luôn hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt là phụ nữ yếu thế trong xã hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ theo quy định pháp luật. Công ty chúng tôi cùng các luật sư có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao luôn hỗ trợ và đồng hành cùng các đối tượng được hưởng sự trợ giúp pháp lý, chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ miễn phí cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt phụ nữ yếu thế trong xã hội về pháp lý để bảo vệ họ, giúp họ sớm vượt qua hoàn cảnh khó khăn và tiến lên trong cuộc sống.

Keywords: trợ giúp pháp lý, bảo vệ phụ nữ yếu thế là nạn nhân của bạo lực gia đình, ELITE

Bình luận bài viết

Không có bình luận

X