Văn Mai Hương “Cover” bài hát của Lady Gaga tại Việt Nam và vấn đề bản quyền

Nguồn: Thu Hiền,  Pháp luật & Bản quyền

(PLBQ). Mới gần đây, ca sĩ Văn Mai Hương dính “nghi vấn” sử dụng ca khúc “Always Remember Us This Way” tại các điểm diễn có bán vé và đăng lên kênh YouTube mà chưa xin phép. Ca sĩ đã có sự hồi đáp, nhưng dư luận còn nhiều thắc mắc.

“Cover” là khái niệm dùng chỉ đến hành vi hát hoặc chơi lại bản nhạc, bài hát theo phong cách mới có sự khác biệt với bản nhạc, bài hát gốc. Đó có thể là sự biến tấu lời, bản dịch lời từ tiếng nước ngoài, giai điệu, phong cách hoặc nhạc cụ khác so với bản gốc…

Mục đích cover có nhiều nhưng chủ yếu nhằm mục đích tôn vinh bản nhạc, bài hát gốc đồng thời đem lại sức sống, sự hòa nhập với đời sống văn hóa tại thời điểm hoặc địa phương nhất định. Hay hiểu một cách đơn giản, việc cover tương tự như tạo một tác phẩm phái sinh từ bản nhạc, bài hát gốc. Xét một góc độ tích cực, việc cover giúp tác phẩm “sống lại”, hòa nhập với đối tượng mới, thế hệ con người mới. Tuy nhiên, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể thực hiện quyền liên quan quyền tác giả cho hoặc không cho việc cover.

Diễn biến vụ việc

Sự việc được khởi nguồn từ tối 01/6/2021, trang Facebook lớn nhất của cộng đồng fan Lady Gaga tại Việt Nam đã cho đăng tải một chiến dịch kêu gọi người hâm mộ cùng gửi kiến nghị lên UMG về việc Văn Mai Hương sử dụng ca khúc “Always Remember Us This Way” để biểu diễn và đăng tải lên các nền tảng như YouTube, Spotify, TikTok, iTunes,…

Sau màn thể hiện ca khúc trên của ca sĩ Văn Mai Hương trên sóng chương trình “Xuân hạ thu đông rồi lại xuân”,  “Always Remember Us This Way” sau nhiều năm bất ngờ trở lại với thành tích ấn tượng: xếp thứ 39 Spotify 200 Daily và lọt hẳn Top 10 BXH Apple Daily với vị trí số 9.

Sự việc ngay lập tức gặp phản ứng từ cộng đồng fan Lady Gaga tại Việt Nam. Họ thắc mắc khi Văn Mai Hương sử dụng ca khúc Always Remember Us This Way mà không biết đã xin phép Lady Gaga hay chưa.

Văn Mai Hương "Cover" bài hát của Lady Gaga tại Việt Nam và vấn đề bản quyền

Ảnh fanpage người hâm mộ Lady Gaga

Tại Hội thảo âm nhạc trực tuyến ngành kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam với tên gọi Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2021 – Vietnam Music Week (VMW) vào ngày 3/6/2021 vừa qua, đại diện của VCPMC – Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng đã có lời chia sẻ xoay quanh sự việc cho biết Văn Mai Hương mới xin cấp phép biểu diễn còn quyền sao chép và phát hành cần xem xét lại.

Mặc dù, ca sĩ chưa đưa ra chứng cứ cụ thể đáp trả trực tiếp, nhưng với tư cách là độc giả, thính giả chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan về vấn đề này. Để giải quyết các câu hỏi trên, Pháp luật & bản quyền phân tích ở các khía cạnh:

Thứ nhất, quyền biểu diễn và quyền sao chép, phát hành có song hành với nhau không?

Trước hết, cần phải nhận thức rõ ràng rằng, việc biểu diễn hay sao chép, phát hành các tác phẩm âm nhạc chỉ được coi là hợp pháp nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc. Mặc dù, luật cho phép một số trường hợp được sử dụng tác phẩm mà không phải xin phép, không phải trả tiền thù lao (các trường hợp thuộc Khoản 1 Điều 25 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019) nhưng tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Thực tế hiện nay các bạn trẻ khi “cover” các “hit” thường đưa lên tài khoản cá nhân trên youtube, facebook, tiktok hay Instagram, công bố rộng rãi video, dù không mở chức năng kiếm tiền nhưng như vậy cũng đã ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm.

Bên cạnh đó, cần hiểu rõ về quyền biểu diễn và quyền sao chép, phát hành tác phẩm, đây là các quyền độc lập nhau. Bạn được phép niểu diễn không có nghĩa bạn sẽ được ghi hình, ghi âm để phát hành cuộc biểu diễn đó. Điều này cần hiểu rõ và thỏa thuận cụ thể với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Tùy thuộc vào thỏa thuận với tác giả mà người biểu diễn đồng và/hoặc chủ đầu tư (đơn vị tổ chức biểu diễn ghi âm/hình) có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn. Nói cách khác, người biểu diễn đồng và/hoặc chủ đầu tư sẽ được sao chép và phát hành bản ghi âm, ghi hình của mình đến công chúng. Vấn đề này được quy định tại Điều 29 Luật sở hữu trí tuệ:

“………

2. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;

b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;

b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;

c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;

d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

………..”

Thứ hai, trách nhiệm về bản quyền trong các show âm nhạc, truyền hình thuộc về ai ?

Nguyên tắc chung, đối với các tác phẩm được sử dụng trong các Show âm nhạc, truyền hình thực tế, đơn vị tổ chức phải có trách nhiệm liên hệ với chủ sở hữu tác phẩm để xin phép hay đàm phán về việc sử dụng.

Đây có thể coi là một hoạt động bắt buộc nếu các chương trình này muốn được thực hiện trên thực tế, bởi đơn vị tổ chức phải thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong hồ sơ đăng ký này thì một loại giấy tờ pháp lý không thể thiếu chính là văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Hơn nữa đơn vị tổ chức phải tính toán chi phí đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ca sĩ sở hữu tác phẩm hoặc ca sĩ đã được tác giả cho phép sử dụng tác phẩm không hạn chế, khi đó đơn vị tổ chức và ca sĩ sẽ có thỏa thuận riêng.

Thực tiễn rất khó kiểm soát việc vi phạm bản quyền của các show âm nhạc, bởi không phải nhà sản xuất nào cũng thực hiện việc đăng ký tổ chức các chương trình âm nhạc với cơ quan có thẩm quyền. Các chương trình có quy mô nhỏ hoặc vừa vẫn được tổ chức “chui” nên cơ quan chức năng khó kiểm soát. Các hình thức xử phạt như phạt hành chính, dân sự, hình sự đã được áp dụng nhưng việc vi phạm vẫn còn tồn tại nhiều. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này một phần xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về vấn đề bản quyền, về quyền sở hữu trí tuệ và một phần cũng do mục tiêu thu lợi nhuận của các nhà sản xuất, tổ chức khi sẵn sàng bỏ qua quyền của chủ sở hữu.

Thứ ba, những lầm tưởng của người dùng về hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc

Một trong những nguyên nhân của việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả âm nhạc là do người thực hiện hành vi không hiểu rõ về vấn đề bản quyền, từ đó có những hành vi xâm phạm bản quyền một cách vô ý. Pháp luật & bản quyền sẽ chỉ ra một số hành vi phổ biển:

  • Đề cập đến tên ca sĩ và tác giả trong video của bạn là có thể tự do sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ.
  • Sử dụng nội dung bài hát thoải mái vì bạn đã đăng ký sử dụng trên các trang web có mất phí.
  • Tuyên bố các video của bạn “phi lợi nhuận” hay “không cố ý vi phạm bản quyền âm nhạc”.
  • Video của bạn chỉ cover một phần rất nhỏ của bài hát nên không sao.
  • Bạn tự quay lại các video âm nhạc này bằng thiết bị của mình nên được tự do sử dụng.

Và còn rất nhiều những hành vi nữa mà chính người thực hiện hành vi không nhận thức được mình đang vô tình xâm phạm đến quyền của người khác hay thực hiện hành vi mà pháp luật không cho phép.

Thông qua bài viết này, Pháp luật & Bản quyền mong rằng người đọc sẽ có cách nhìn nhận chính xác về vấn đề bản quyền âm nhạc, từ đó tránh việc thực hiện hành vi xâm phạm, tạo môi trường lành mạnh để các tác giả có thể tái sáng tạo và thể hiện tài năng.

Keywords: Văn Mai Hương cover nhạc của Lady Gaga, vi phạm bản quyền âm nhạc, ELITE

 

Bình luận bài viết

Không có bình luận

X